Nhiều năm qua, cử tri ở tỉnh Đắc Nông đã liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết dứt điểm những hệ lụy của việc xây dựng các công trình thủy điện. Đó là việc đền bù chậm trễ kéo dài, khu tái định cư không đảm bảo, và nhất là không cấp đủ đất sản xuất khiến nông dân lâm vào cảnh khốn khó. Thậm chí, thủy điện vận hành làm thay đổi dòng chảy của sông, nên hàng năm dân lại mất thêm hàng chục ha đất sản xuất. Thủy điện chiếm đất sản xuất, khi nào dân mới hết khổ? - Câu hỏi của người dân Đắc Nông nhiều năm qua vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

thuy-dien.jpg
Một góc nhà máy thủy điện buôn Tua Srah, Đắk Nông.  (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Về khu tái định canh định cư từ năm 2010, nhưng đến nay, 500 hộ dân ở xã Đắc Plao, huyện Đắc Glong, vẫn chưa có đất sản xuất. Ngay cả số tiền bồi thường, chủ đầu tư Thủy điện Đồng Nai 3 (là Ban quản lý các dự án thủy điện 6, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) vẫn còn nợ bà con gần 2 chục tỷ đồng. Thiếu đói, không công ăn việc làm, nhiều người lại di cư phá rừng. Ông Kờ Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Plao, cho biết: “Trên này đất đai còn thiếu, tiền bạc chưa thanh toán đủ và giải quyết chưa hết. Nếu không giải quyết dứt điểm đất sản xuất, bà con sẽ khổ”.

Không riêng gì Thủy điện Đồng Nai 3, tại hầu hết các dự án thủy điện ở tỉnh Đắc Nông, người dân đều đang phải gánh chịu những hệ lụy do không còn đất sản xuất. Ngay tại Thị xã Gia Nghĩa, Thủy điện Đắc RTích đã hoàn thành nhưng 5 năm qua vẫn chưa thực hiện xong việc bồi thường và tái định cư, khiến người dân liên tục khiếu kiện. Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Rmoan, thị xã Gia Nghĩa, bày tỏ: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức, phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện, qua rất nhiều lần khảo sát, xác minh, rà soát hồ sơ… cho đến họp Hội đồng tư vấn mà vẫn chưa giải quyết được. Đến nay đã là năm thứ 5 nhân dân đi khiếu kiện mà chưa giải quyết được. Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề này, để nhân dân trên địa bàn xã sớm ổn định tình hình an ninh trật tự".

Trên thượng nguồn sông Sê-rê-pốc, khi Thủy điện buôn Tua Srah, Đắc Nông hoàn thành phát điện, làm thay đổi dòng chảy của sông, khiến mỗi năm nông dân huyện Krông Nô lại mất thêm hàng chục ha đất sản xuất. Các xã Quảng Phú, Đức Xuyên, Đắc Nang, Buôn Chóa, phía dưới hạ lưu đập thủy điện: có nơi đất bị sạt lở trôi theo dòng nước, nơi lại ngập úng thất thường không thể trồng tỉa.

Ông Trần Quang Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, cho biết, chỉ riêng xã đã có 7 chục ha cây trồng bị ảnh hưởng, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Ông nói: “Trong quá trình vận hành thủy điện đã làm ảnh hưởng đến kinh tế người dân: một số hộ mất đất, một số khác bị ngập úng không sản xuất được, nó kéo dài từ 3 năm trở lại đây. Địa phương đã tổng hợp ý kiến cử tri kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng họ vẫn chưa được đền bù và lâm vào cảnh khó khăn”.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các công trình thủy điện đem lại. Nhưng việc chiếm dụng nhiều diện tích đất, đẩy người dân lâm vào cảnh khó khăn, là điều cần phải cân nhắc khi xây dựng các công trình thủy điện. Hệ lụy kéo dài hiện hữu tại các thủy điện ở tỉnh Đắc Nông vẫn chưa biết khi nào mới được giải quyết dứt điểm./.