Cơn bão số 10 đi qua để lại những thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh miền Trung, cho đến giờ này vẫn chưa khắc phục hết. Cả nước đang chung tay quyên góp tiền, của, vật chất để ủng hộ đồng bào nơi đây. Nhưng những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu có một phần nguyên nhân là từ sự cố vỡ đập diễn ra trong cơn bão. Dư luận đang đặt câu hỏi: liệu sự cố vỡ đập là do mưa bão quá lớn hay là do chính các đập thủy lợi, thủy điện có vấn đề?

Sự cố vỡ 4 hồ đập tại huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa trong mấy ngày đầu tháng 10 khiến dư luận bàng hoàng lo lắng. Tổng thiệt hại lên đến 137 tỷ đồng, cuộc sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nguyên nhân của sự cố này là do lượng mưa quá lớn, lên tới hơn 600mm.

333-vo-dap-thuy-dien-2.jpg
Hình ảnh ở đập nước Đồng Đáng, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị vỡ (Ảnh: VietnamNet)

 

Cũng trong cơn bão số 10, một thông tin “thật như đùa” là hàng nghìn hộ dân ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã bỏ nhà cửa, bồng bé nhau chạy tán loạn lên núi và vùng đất cao để tránh lũ quét khi nghe tin vỡ đập thủy điện Đắc Mi 4 đồng loạt mở 5 cửa xả lũ, đổ nước về sông Đắc Mi – thượng nguồn sông Vũ Gia gây lũ đột ngột. Hậu quả là rất nhiều nhà cửa cùng toàn bộ tài sản của người dân bị cuốn trôi. Cái lý do mà các nhà chức trách đưa ra là do Thủy điện Đắc Mi 4 không thông báo kịp thời. Cái lý do thật không chấp nhận nổi. Điều này gây nỗi bức xúc trong người dân còn nhiều hơn là tiếc nuối nhà cửa, của cải bị cuốn trôi. Vậy những thiệt hại mà dân phải gánh chịu, ai sẽ đền bù? Ban Lãnh đạo Đắc Mi 4 có phải chịu trách nhiệm và có bị xử lý?

Từ đây, lần lại vụ việc mới thấy quá nhiều mối lo. Chỉ mới đây thôi, đập thủy điện Ia Krây 2 – huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ, gây thiệt hại lên tới 1,7 tỷ đồng cho 143 hộ dân. Chủ đầu tư thì khẳng định là đập thủy điện Ia Krel 2 đảm bảo chất lượng và đập vỡ là do sự cố, trong khi đó, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng, “chủ đầu tư đã làm sai thiết kế”. Điều đáng mừng là cơ quan chức năng đã buộc chủ đầu tư là công ty Bảo Long Gia Lai phải đền bù 1,7 tỷ đồng cho các hộ dân bị thiệt hại. Nhưng thật đáng buồn là tới nay, sau 3 tháng vỡ đập, chủ đầu tư chỉ đền bù được 430 triệu đồng, với lý là “không đủ tài chính”.

Hậu quả là hàng chục hộ dân thuộc diện hộ nghèo lâm vào cảnh thiếu đói và chính quyền địa phương buộc phải xuất ngân sách hỗ trợ 10 kg gạo/ nhân khẩu cho 21 hộ dân này. Số tiền ngân sách này cũng là do dân đóng góp, liệu sau này Công ty Bảo Long có đền bù lại cho địa phương? Mà Công ty không đủ tài chính đền bù cho dân thì cớ sao lại vẫn đủ năng lực đầu tư vào công trình thủy điện này?

Trước tình hình đáng lo ngại vừa nêu, hôm 29/8 vừa qua, Chính phủ đã họp trực tuyến về công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Những con số được đưa ra tại hội nghị cũng rất “đáng lo ngại”, đó là: trên địa bàn cả nước hiện có trên 1 nghìn dự án nhà máy thủy điện đã được phê duyệt, trong đó, 270 nhà máy đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cả nước hiện có gần 7.000 hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập thủy điện, đập thủy lợi vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần khắc phục như các chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình đập, quản lý vận hành đập và phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hồ đập thủy điện bị vỡ trong thời gian qua.

Một nguyên nhân nữa được đưa ra là biện pháp thi công và phương án phòng chống lụt bão trong mùa mưa lũ chưa phù hợp với điều kiện thực tế, công tác quản lý chất lượng chưa được thực hiện tốt.

Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu nhưng hậu quả của cơn bão số 10 gây ra là hết sức nặng nề với tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, 9 người chết và gần 200 người bị thương. Nếu chúng ta không có ngay những biện pháp phòng tránh các sự cố vỡ đập thủy lợi, thủy điện, các cơ quan chức năng không có ngay những biện pháp xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân không thể đổ tại “thiên tai”. Và hậu quả cũng không thể mãi để những người dân vô tội phải gánh chịu./.