Theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, chính sách pháp luật cho thương mại điện tử về cơ bản đã hoàn thành. Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước tăng 25% so với năm 2016, nhiều khả năng doanh số của thương mại điện tử sớm đạt mức 10 tỷ USD.
Hiện những sản phẩm được mua nhiều qua hình thức thương mại điện tử chủ yếu là quần áo thời trang, sách báo, vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại và đồ gia dụng. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ rất hứa hẹn ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm của em bé.
Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước tăng 25% so với năm 2016. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên sắp tới sẽ có nhiều ngân hàng kết hợp với các nhà bán lẻ để tạo ra phương thức thuận tiện, linh hoạt hơn cho người tiêu dùng khi thanh toán. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm số hóa, giúp các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức trực tuyến dễ dàng, thuận lợi trong việc giao dịch với khách hàng.
Ông Nguyễn Giáp, Giám đốc Khối thị trường nhỏ và vừa của Microsoft cho biết, một trong những điểm yếu nhất trong thương mại điện tử là các nhân viên năng lực cũng như năng suất lao động chưa thực sự tốt.
Để hỗ trợ việc này đang có các bộ công cụ như office 365 sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nhân viên có nhiều thời gian hơn đi gặp khách hàng, thay vì tất cả phải ngồi trong văn phòng. Khi nhân viên ra ngoài, họ có thể mang toàn bộ công việc của họ để có thể giải quyết bài toán mà khách hàng cần.
“Trước đây một nhân viên sale ra ngoài gặp khách hàng sau đó lại phải quay về báo cáo cho bên tài chính, kế toán. Bây giờ với công cụ cloud của Microsoft công việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy và số hóa toàn bộ, làm năng suất lao động tăng. Khả năng doanh nghiệp có thể sáng tạo dựa trên phần điện toán đám mây để đưa ra những sản phẩm tốt hơn cho khách hàng”, ông Giáp cho biết./.
Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới