Hai năm đương đầu với đại dịch Covid-19, đối với cộng đồng doanh nghiệp là một khó khăn, thử thách rất lớn. Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, điêu đứng khi lệnh phong toả kéo dài tại nhiều tỉnh thành, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều đơn hàng giảm mạnh, chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và trên bờ vực phá sản…

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó đã có nhiều doanh nghiệp biết chuyển đổi từ mô hình offline sang online, tìm hiểu các kênh marketing online… để tiêu thụ sản phẩm vượt qua khó khăn. Công ty cổ phần Ong miền núi là một ví dụ, ảnh hưởng từ dịch, doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua mạng, hàng tuần đều thực hiện các buổi livestream bán hàng. Cùng với đó, đơn vị này đã kết hợp nhiều kênh bao gồm các sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội, website doanh nghiệp… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của mình…

“Chúng tôi cũng tham gia vào các buổi học tập về livestream, bán hàng…, cùng với đó, chúng tôi tập huấn cho nhân viên, các hệ thống cửa hàng nhằm mà lan tỏa sản phẩm của doanh nghiệp cho nhiều khách hàng biết tới. Chúng tôi đưa các sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử Lazada, tiki, Shopee…  để sản phẩm của công ty được nhiều người biết và tiêu dùng nhiều hơn…”, bà Lưu Thị Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Ong miền núi cho biết.

Tại nước ta, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên internet. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian "đóng băng" trước đó.

Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, kết quả khảo sát của Facebook năm 2021 cho thấy, hơn 81% người tiêu dùng có thay đổi thói quen mua sắm sang online nhiều hơn khi đại dịch bùng phát, 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục hành vi mới này sau đại dịch. Khách hàng trong độ tuổi từ 25-45 tuổi cũng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhất là đối tượng khách hàng không ở thành thị. Cùng với đó, lượng người bán trực tuyến ở khu vực phi thành thị đã tăng mạnh 40% trong 11 tháng của năm 2021.

“Thích ứng của các doanh nghiệp thì dường như họ đi cũng khá nhanh và bắt buộc phải thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp… Do đó, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt trong hình thức bán hàng, khi không thể offline thì họ bắt buộc phải chuyển sang online, chuyển đổi linh hoạt trong cơ cấu tổ chức cũng như hình thức bán hàng, đảm bảo duy trì, vận hành doanh nghiệp. Dịch bệnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại được hoạt động kinh doanh của mình”, bà Lê Thị Hà nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, thương mại điện tử sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đồng thời lưu ý, các doanh nghiệp khi đưa hàng hoá lên sàn cần quan tâm vào các vấn đề như: nên kinh doanh đa sàn, điều nay sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được hết cơ hội để phát huy tiềm năng của mình. Tiếp đến là phải hiểu thị trường, đối thủ, vận dụng điểm mạnh của mình tiếp cận các thị trường ngách. Cần xây dựng chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn, về giá, hàng tồn kho, xây dựng tệp khách hàng, chiến lược với khách hàng cũ – mới, cách thức vận hành bán hàng, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng…và cuối cùng là một kế hoạch dài hạn đầu tư với các sàn thương mại điện tử thì mới có thể phát triển bền vững.

“Tất cả các sàn thương mại điện tử có một chiến lược phát triển bền bỉ và luôn luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp mới lên sàn, chỉ cần doanh nghiệp có niềm tin, có kế hoạch, có thể kết nối với tất cả các sàn thương mại tử… để có thời gian phát triển sản phẩm của mình; tất cả những phần chiến lược này thì cũng phù hợp với cả những doanh nghiệp mà đã phát triển trên sàn. Các doanh nghiệp Việt hãy trở thành một đối tác chiến lược của sàn thương mại điện tử bởi tất cả các sàn như Lazada, tiki, Shopee … đều có một lộ trình phát triển toàn diện lâu dài giữa hai bên”, bà Vũ Thị Thư nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực cũng cho rằng, 5 ngành hàng tiềm năng với xu hướng tăng trưởng mạnh trên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới sẽ là: thời trang và phụ kiện; điện tử dân dụng; đồ chơi và sở thích cá nhân; nội thất và đồ gia dụng; thực phẩm và chăm sóc cá nhân… đây cũng là những ngành hàng rất lợi thế với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt cần hướng tới để loại bỏ bước trung gian, kiểm soát được mặt hàng, nhà phân phối, phản hồi từ khách hàng, định vị được thương hiệu… từ đó, giúp giảm chi phí và bán hàng hiệu quả hơn…

Còn ở góc độ pháp lý, Luật sư Lê Trọng Thêm, Giám đốc Công ty Luật LTT & Lawyers cho rằng, kinh doanh luôn có những rủi ro, đặc biệt là trong thương mại điện tử khi mà người bán và người mua chưa bao giờ gặp nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chính sách bán hàng đầy đủ, chi tiết và cụ thể, tìm hiểu và nắm bắt luật chơi trên các sàn thương mại điện tử để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ thiệt hại về kinh tế.

“Doanh nghiệp cần nghe những hướng dẫn của các đơn vị cung cấp sàn thương mại điện tử, qua đó giúp doanh nghiệp ra tăng được doanh số. Đồng thời, cần phải nắm luật chơi sàn thương mại điện tử quốc tế đặt ra, nắm bắt luật pháp của bên bán và bên mua để tránh những rủi ro. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nên tham gia vào những Hiệp hội, tăng cường sự kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để tìm sự hỗ trợ trong việc giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn gặp phải trong quá trình hoạt động”, Luật sư Lê Trọng Thêm khuyến nghị.

Hiện xu hướng tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số cùng với những biến động do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, thương mại điện tử đang trở thành xu thế kinh doanh trong thương mại toàn cầu cũng như một xu hướng rất phổ biến tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này để làm bàn đạp cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.