- Nông dân Tiền Giang cảnh giác với thương lái Trung Quốc
- Cạch mặt thương lái Trung Quốc
- 1kg lá vải thiều giá 1.000 đồng: Coi chừng bẫy!
Người nông dân quanh năm vất vả để có được hạt lúa, củ khoai, con cá. Họ những mong sản phẩm của mình làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó với giá thành cao, bù đắp chi phí đầu vào. Tuy nhiên, ước mong chính đáng đó đã và dang bị lợi dụng. Điển hình là các thương lái nước ngoài vào thu mua nông sản trái phép, thao túng, ép giá một số mặt hàng khiến doanh nghiệp và nông dân điêu đứng. Vậy, các cơ quan chức năng đã và đang làm gì để cứu bà con nông dân?
Ham lợi trước mắt
Mới đây, cơn sốt trồng khoai lang tím Nhật Bản bùng lên tại tỉnh Vĩnh Long, rồi lan sang cả Đồng Tháp, Cần Thơ… khi các thương lái nước ngoài đến thu mua với số lượng lớn, giá cao. Do lợi nhuận cao nên người dân đã chuyển canh tác từ ruộng lúa sang trồng khoai lang tím, diện tích canh tác không ngừng tăng và lan rộng ra nhiều địa phương khác.
Nông dân Vĩnh Long thu hoạch khoai lang |
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, các thương lái đặt hàng nhưng không thu mua nữa, giá khoai lang từ 5.000 - 6.000 đồng/kg giảm xuống còn khoảng 200-300 đồng/kg. Dù vậy, nông dân cũng không bán được, do loại khoai này chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, còn thị trường trong nước không tiêu thụ được nhiều.
Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết: Sở Công Thương đã thông báo cho chính quyền địa phương, khuyến cáo bà con cảnh giác trường hợp thương nhân nước ngoài thu mua; bà con cũng không nên trồng những mặt hàng không phải là chủ yếu của địa phương mình. Hiện nay, chính sách mở cửa, nhưng đầu tư phải có quy định chặt chẽ để người nước ngoài vào kinh doanh phải có những quy định, cam kết giữa người sản xuất và kinh doanh. Chính phủ cũng cần quy định pháp luật để đảm bảo đối tác nước ngoài kinh doanh phù hợp, người dân cũng cảnh giác những trường hợp làm ăn lừa đảo.
Không chỉ người trồng khoai buốt ruột, tình trạng trên còn lặp lại với nhiều mặt hàng khác như: dừa, dứa, tôm, cá, gạo…tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Và mới đây nhất, thương nhân nước ngoài lặn lội đến Thanh Hoá để mua dây gai, khiến người dân đổ xô vào rừng để tận thu dây gai đem bán.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tận thu trái phép một số nguyên liệu nông sản gây nên nhiều hệ lụy đối với nông dân, doanh nghiệp và thị trường trong nước. Bởi khi đặt hàng với số lượng lớn rồi ngừng thu mua, những đối tượng này đã tạo ra “thị trường ảo”, gây khó khăn cho cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ.
Theo ông Phan Thế Ruệ, hiện Việt Nam đã gia nhập WTO, nên đối với những thương nhân nước ngoài vào kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam thì không thể cấm được. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, để thương nhân nước ngoài thu mua trái phép các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì cần phải ngăn chặn.
Có lỗi của thương nhân, chính quyền địa phương
Hiện nay, các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tự thiết lập hệ thống thu mua nông sản để xuất khẩu làm cho thị trường Việt Nam là các doanh nghiệp bán lẻ và các thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn. Tạo đầu cơ lớn trong việc thu mua gom nông sản, tiêu biểu nhất là cà phê, hạt tiêu, kể cả đường, những nông sản mà chúng ta có thể xuất khẩu mạnh thì thời gian qua không thực hiện tốt cam kết. Chúng ta phải ngăn chặn ngay việc này làm cho thị trường Việt Nam giữ được sự vững chắc.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các thương nhân nước ngoài không được phép vào tận nơi thu gom nông, thủy sản, vậy tại sao tình trạng thu mua nông, thủy sản trái phép tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp?
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, hiện tượng xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là do tổ chức, cá nhân lợi dụng con đường du lịch để tổ chức thu gom nông sản Việt Nam một cách trái phép. Ở đây cũng có sự tiếp tay của một số thương nhân Việt Nam làm trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, còn do trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, các sở công thương, cơ quan quản lý du lịch, quản lý lao động người nước ngoài. Do đó, để giải quyết thực trạng này cần nhiều giải pháp đồng bộ của cơ quan chức năng.
Ông Chiến cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi cho thương nhân, bà con nông dân ở các địa phương hiểu rõ pháp luật Việt Nam đối với thương nhân nước ngoài kinh doanh thu mua nông sản trên địa bàn;
Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hệ thống phân phối, hoạt động đại lý thu mua sát đến hộ sản xuất tạo điều kiện cho bà con bán được nông sản với giá có lợi.
Cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra thị trường để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài. Cần phải làm cương quyết triệt để và phối hợp đồng bộ của bộ Công thương và cơ quan liên quan hoạt động xuất nhập cảnh, du lịch, quản lý lao động nước ngoài.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương chủ trì khẩn trương nghiên cứu, ban hành Thông tư quy định các nội dung về hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong quý 3/2012, nhằm bảo đảm quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là căn cứ cho các địa phương, cơ quan chức năng hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài có hiệu quả, phù hợp với thực tế, ngăn chặn các hoạt động gây phương hại đến sản xuất và đời sống của người nông dân./.