Các đầu mối xuất khẩu ong mật lớn nhất tỉnh gần như ngừng hoạt động, nhiều nông dân tồn dư hàng chục tấn mật trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao.
Mùa này, hoa cà phê nở bạt ngàn trên khắp các vùng rẫy nương ở Đắk Lắk; các vùng cao su lớn, rộng hàng chục nghìn ha ở khắp Tây Nguyên cũng bắt đầu ra lộc non, báo hiệu một mùa bội thu nữa lại đến với nghề nuôi ong. Thế nhưng năm nay, lợi thế lớn của Đắk Lắk và Tây Nguyên không chống đỡ được các biến động lớn về thị trường.
Ông Viên Đình Sơn là một người nuôi ong sành sỏi ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ với hơn 500 đàn, sản lượng gần 50 tấn mỗi năm, cũng đang hết cách xoay xở; mật ong đã tích đầy mấy bồn 5.000 l mà vẫn chưa bán được đợt nào. Ông Sơn cho biết, giá mật ong hiện chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg, bằng nửa giá trung bình những vụ trước nhưng cũng rất khó tiêu thụ.
“Hiện tại mật tôi đã thu khoảng trên 20 tấn nhưng chưa tiêu thụ được. Lý do là các công ty mật ong họ đóng cửa không thu mua, vì họ cũng không xuất khẩu được. Bây giờ nếu có bán được thì giá thấp, chi phí chăn nuôi cao thì cũng sẽ thua lỗ nhiều” - ông Sơn chia sẻ.
Kế bên nhà ông Viên Đình Sơn là ông Viên Đình Tiến, cũng đang tồn dư hàng chục tấn mật chưa bán được. Theo ông Tiến, để có lời, gia đình phải bán ở mức giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg nhưng vụ năm nay giá cao nhất cũng chỉ ở mức 17.000 đồng/kg. Chưa kể, năm nay dịch Covid-19 hoành hành khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào của nghề nuôi ong tăng gấp đôi thậm chí gấp 3, khiến gia đình gặp muôn vàn khó khăn.
“Gia đình rất lo lắng đầu ra cho mật ong, bán không được. Tôi mong muốn cấp trên hỗ trợ đầu ra cho bà con nuôi ong” - ông Tiến nói.
Ông Lê Thanh Vân – Tổng giám đốc Công ty CP ong mật Đắk Lắk, Chủ tịch Hội xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, người nuôi ong ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là từ cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp mức thuế sơ bộ chống bán phá giá mặt hàng mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ lên tới hơn 412%, khiến các công ty xuất khẩu không bán được hàng. Ngay như Công ty CP ong mật Đắk Lắk, thời điểm này năm trước đã thu mua trên 2.000 tấn để xuất khẩu, nhưng năm nay mới chỉ thu mua khoảng 100 tấn.
“Trên 95% các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở Việt Nam, trong đó có mật ong Đắk Lắk đều xuất khẩu vào Hòa Kỳ, chỉ duy nhất một thị trường đơn độc. Khi áp thuế như vậy không một doanh nghiệp nào đứng vững được, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và hàng vạn người nuôi ong. Tình hình này kéo dài đến tháng 4/2022 thì nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa, người nuôi có thể bỏ nghề” - ông Vân nói.
Vào tháng 4/2021, Hội các nhà nuôi ong Mỹ nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác. Đến cuối tháng 11/2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu ong mật của Việt Nam là 412,49%.
Sau khi Hoa Kỳ công bố mức áp thuế mới, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số ngành liên quan cùng các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đã họp tìm các giải pháp. Tuy nhiên việc đàm phán giảm thuế cũng như tìm kiếm thị trường mới, khó có thể đạt kết quả trong thời gian ngắn. Ngành ong ở Đắk Lắk và của cả nước vẫn đứng trước thách thức rất lớn./.