Mất đất vì trồng mía
Vụ mía vừa qua là vụ sản xuất bị lỗ nặng nhất đối với nông dân Trà Vinh. Nguyên nhân không phải do thiên tai hay dịch bệnh mà do giá mía quá thấp và nhà máy thu mua chậm, khiến hầu hết các hộ trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, khốn khó. Mỗi ha mía sau khi trừ các khoản chi phí người trồng bị lỗ từ 30 đến 50 triệu đồng/ha.
“Vốn đầu tư hết 9 triệu rồi, mà bán được có 4 triệu đồng/công. Các con tôi cũng đi Bình Dương làm, phải giao đất cho người ta, đi làm thuê đây đó kiếm sống. Trồng mía thất bại quá, không đủ vốn nói chi đến lãi” - bà Kiên Thị Xê ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết.
Giá quá rẻ nên nhiều nông dân bỏ mặc mía chết khô không thu hoạch. |
Không chỉ thu mua chậm, giá thấp mà cân mía xong, nông dân phải đợi cả tháng mới nhận được tiền. Điều này không chỉ khiến các hộ trồng mía gặp nhiều khó khăn mà cả thương lái cũng rất bức xúc vì không có tiền chi trả nhân công, trong khi lực lượng này phần lớn là hộ nghèo. Do vậy càng về cuối vụ nhân công càng khan hiếm, tiền công tăng gần gấp đôi mà vẫn không thuê được người.
Anh Thạch Minh Châu, một thương lái có hơn chục năm thu mua mía cho biết, đầu vụ mỗi ngày anh có hơn 60 nhân công thu hoạch, vận chuyển mía nhưng nay chỉ còn 12 người. Bằng đó người không thể làm được nên phải nghỉ, dù mía trên đồng vẫn chưa thu hoạch xong.
Không chỉ người nông dân trồng mía gặp khó, những đại lý cấp tiền cho người dân vay trồng mía cũng gặp khó khăn. Bà Phạm Thị Ngọc Hân, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú - chủ đại lý Ánh Hơn, cho biết, vụ mía năm nay bà đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho hơn 400 hộ trên địa bàn vay tiền trồng mía. Đến nay đã có hàng trăm hộ thu hoạch mía xong nhưng không có tiền trả, trong đó rất nhiều hộ yêu cầu bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để trừ nợ.
Sổ đất người trồng mía chất đống tại nhà chủ đại lý đầu tư vốn. |
Hiện bà Hân đã nhận chuyển nhượng hơn 1 ha đất của hai hộ đặc biệt khó khăn, còn các hộ khác bà chưa đồng ý vì bản thân cũng đang rất khó khăn về vốn, tất cả tài sản đã thế chấp ngân hàng.
“Tôi cũng không muốn lấy đất của bà con mà người ta cứ yêu cầu sang tên để cho người ta được hết nợ. Gia đình cũng không làm được gì trên số đất đó, trong khi tài sản cá nhân cũng phải thế chấp ngân hàng, phải đóng lãi cho ngân hàng”- bà Phạm Thị Ngọc Hân nói.
Bài toán chưa có lời giải
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, tình trạng Công ty cổ phần mía đường Trà Vinh nợ tiền trên một tháng đối với các khách hàng bán mía nguyên liệu đã đẩy các hộ trồng mía trên địa bàn lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên do mía là cây trồng chủ lực của địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trương giữ diện tích mía nên trước mắt huyện Trà Cú kiến nghị tỉnh Trà Vinh tìm giải pháp hỗ trợ, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Còn về lâu dài, huyện sẽ tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật để vừa tăng năng suất, giảm giá thành; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, nông dân có thể ký hợp đồng bán mía nguyên liệu trực tiếp với nhà máy theo giá thỏa thuận.
Nhiều người về Trà Cú thuê đất mía đào ao nuôi tôm. |
“Trước tình hình nhà máy đường thiếu vốn không đủ giải quyết cho nông dân, tôi có gặp gỡ doanh nghiệp và đề suất với UBND tỉnh với giải pháp cho doanh nghiệp thế chấp hàng hóa vay vốn giải quyết khó khăn. Giải pháp đó là trước mắt” - ông Lê Hồng Phúc, chủ tịch UBND huyện Trà Cú nói.
Nhiều năm thua lỗ liên tục, nợ nần chồng chất, nông dân quay lưng với cây mía. Trong khi đó, đường nhập lậu cứ tràn lan, giá thấp, bóp nghẹt ngành đường trong nước. Nếu tình trạng nhập lậu đường không kiểm soát được, ngành mía đường tiếp tục lao đao và nông dân tiếp tục khốn khó, thì liệu diện tích mía có giữ được hay không?./.
Ngành mía đường lao đao vì tồn kho và đường lậu
Mía Phú Yên rớt giá, tiêu thụ chậm