Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Công ty Coca-cola vừa ký thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực ngành mía đường Việt Nam. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ nông dân đầu tư trồng mía, rồi lại thu mua sản phẩm đường.

mia_duong_vn_yopm.jpg
Lượng đường tồn kho cao kỷ lục: 530.000 tấn.

Ông Sanket Ray – Tổng giám đốc Coca-cola Việt Nam cho hay, công ty và Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ triển khai nhiều chương trình: tập huấn và đào tạo nông dân trồng mía những kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất và hạ giá thành, hỗ trợ người trồng mía các vật tư đầu vào, nâng cấp hạ tầng tưới tiêu. Toàn bộ nguyên liệu đường đầu vào của các nhà máy của Coca-cola tại Việt Nam sẽ sử dụng đường do Hiệp hội Mía đường Việt Nam cung cấp, không sử dụng nguồn nhập khẩu.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, đây chính là một trong những giải pháp không chỉ góp phần cứu 530.000 tấn đường đang tồn kho, mà còn góp phần triển khai thực hiện một trong những giải pháp của đề án cơ cấu lại ngành mía đường Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 ha mía, 38 nhà máy đường đang hoạt động, tổng công suất thiết kế 150.000 tấn mía/ngày. Hàng năm sản xuất khoảng 1,2-1,5 triệu tấn đường các loại, trong đó khoảng 50% sản lượng là đường tinh luyện đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Theo ông Doanh, hiện ngành Mía đường Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 thách thức khó khăn. Đó là: biến đỏi khí hậu (xâm nhập mặn, nước biển dâng, hạn hán, bão lũ…); cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; thiếu lao động trong nông nghiệp; và hội nhập kinh tế quốc tế (khi các Hiệp định đa phương và song phương Việt Nam đã ký có hiệu lực).

Ông Doanh nhận định, trong những năm qua, Coca-cola là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng ngành mía đường Việt Nam trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ, góp phần vào kết quả chung của ngành mía đường. Nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam có hợp  đồng tiêu thụ đường với công ty Coca-cola đánh giá cao tính chuyên nghiệp và có sự tín nhiệm của công ty.

Để phát triển ngành mía đường theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đối phó với thách thức thức khó khăn trên, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với các cục, vụ của Bộ để xây dựng đề án cơ cấu lại ngành mía đường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành chuỗi giá trị sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạng tranh của ngành mía đường trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, ngành mía đường cũng tổ chức lại, củng cố hoàn thiện thị trường tiêu thụ trong nước từ logistic (hậu cần) đến hệ thống bán buôn, bán lẻ nhằm giảm thiểu thấp nhất chi phí trung gian trong quá trình lưu thông đến người tiêu dùng đường./.