Lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, đến thời điểm này, Bộ này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ, ngành địa phương. Do đó, con số 7.000 xe công thừa ra từ năm 2015 đến nay vẫn chưa xử lý được. 

xe_cong_hikq.jpg
Sau khi rà soát, 7.000 xe công thừa ra từ năm 2015 đến nay vẫn chưa xử lý được. (Ảnh: Internet)
Sau khi có kết quả báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, số xe dư thừa sẽ được xử lý theo 2 hướng. Nếu xe hỏng sẽ tiến hành thanh lý, đấu giá công khai theo quy định. Còn nếu xe còn sử dụng được sẽ điều chuyển sang đơn vị khác.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính thông tin, mỗi năm cả nước mua sắm khoảng 1.500 xe công, hiện tổng số xe ô tô của các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập, tổ chức (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang nhân dân, DNNN) là 37.960 chiếc.

Để thực hiện khoán xe công, hiện nay Cục Quản lý công sản đang tham mưu cho Bộ Tài chính để cơ quan này tham mưu cho Chính phủ về cơ chế khoán xe theo Quyết định 32.

Chưa ước tính con số cụ thể về lợi ích tiết kiệm mà mua sắm tập trung sẽ mang lại, vì còn phụ thuộc vào quy mô mua sắm. Nhưng, theo kinh nghiệm các nước, tiết kiệm được trong mua sắm so với trước đây khi chưa áp dụng, từ 10-17% tổng giá trị mua sắm.

Với khoản chi mỗi năm khoảng 200.000 tỷ đồng, nếu áp dụng phương thức mua sắm tài sản Nhà nước tập trung, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 10.000 - 17.000 tỷ đồng./.