Sáng nay (19/3) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về một số nhiệm vụ trọng tâm và định hướng lớn trong tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định: trong năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung triển khai song song hai nhiệm vụ cơ bản, vừa xây dựng, phát triển tổ chức, bộ máy, nhân sự, vừa triển khai toàn diện 5 nhóm nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng chương trình toàn khóa và năm 2013 của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư. Ban Kinh tế trung ương cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong năm nay.

thuv.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ ủng hộ và chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương nhằm mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một trong những nội dung quan trọng tại buổi làm việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, đó là việc thành lập Ban chỉ đạo và Kế hoạch triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về cơ chế, chính sách vĩ mô, kinh nghiệm trong điều hành giá cả thị trường như giá điện, xăng dầu, đất đai, đồng thời phân tích tính chất cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng kinh tế là trung tâm và phát triển kinh tế mục tiêu cuối cùng cũng là vì con người. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết với chức năng tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, kiểm tra, giám sát là rất phù hợp. Thủ tướng đánh giá cao trong hơn 1 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực cố gắng kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, vừa bắt tay vào các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự lãnh đạo chung của Trung ương.

Với mong muốn Ban Kinh tế trung ương tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ, chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: “Để làm tốt chức năng tham mưu, thẩm định thì Ban Kinh tế Trung ương cần phải chủ trì huy động các cơ quan, các nhà khoa học tâm huyết trách nhiệm với đất nước để tập hợp trí tuệ, các ý kiến xác đáng, thiết thực kiến nghị với Đảng, Nhà nước những giải pháp hay, đúng, trúng, thiết thực để phát triển kinh tế xã hội của đất nước gắn liền với tiến bộ công bằng xã hội...”

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ ủng hộ và chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương nhằm mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ban Kinh tế Trung ương cần rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, nhất là các cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Đồng ý thành lập Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng yêu cầu triển khai nhiệm vụ này theo đúng kế hoạch, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành chức năng, chủ trì xây dựng sơ kết báo cáo trên góc độ điều hành của Chính phủ dựa trên các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết cũng như xác định, đề xuất định hướng tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng nêu rõ: Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhiều việc phải làm, trong đó tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là con đường mới, đòi hỏi vừa làm, vừa phải đúc kết kinh nghiệm, nhất là phải làm rõ, phân tích sâu sắc phạm trù kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một trong những yếu tố quan trọng trước hết là phải thực hiện đúng quy luật thị trường, nhất là về giá cả còn Nhà nước sử dụng các công cụ để điều tiết nhằm đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, nhất là hỗ trợ trực tiếp người nghèo, các đối tượng chính sách cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo….

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tổng kết kỳ này hết sức quan trọng là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bời vì mỗi chặng đường phát triển, đổi mới của đất nước gắn liền với đổi mới về thể chế kinh tế mà bản chất là kinh tế thị trường, bản chất của nó là phát huy dân chủ trong kinh tế… Từ khoán 10 cũng theo hướng kinh tế thị trường, rồi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài… những mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của đất nước đều gắn liền với đổi mới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường mà bản chất là phát huy dân chủ trong kinh tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý quá trình tiến hành sơ kết Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải gắn với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thượng tôn pháp luật, phát huy quyền dân chủ của nhân dân và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền công dân…/.