Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diễn ra chiều 27/3, tại Hà Nội. 

dong_nai_xtwo.jpgMột góc dự án lấp sông Đồng Nai (Ảnh VNExpress)

Việc san lấp sông Đồng Nai là để thực hiện “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị sông Đồng Nai”. Đây là một trong bốn dự án trọng điểm cải tạo cảnh quan môi trường và chỉnh trang đô thị ven sông cho thành phố Biên Hòa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công hồi tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng. 

Tại buổi họp báo chiều 27/3, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai. Trả lời câu hỏi của một số phóng viên về Dự án lấn sông Đồng Nai có chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nêu rõ: Việc san lấp với diện tích 7,7ha trên sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị ở ven sông phải tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước nước 2012, bởi Dự án có khả năng ảnh hưởng rất lớn tới tác động dòng chảy sông Đồng Nai. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án này, tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư không hề tham vấn, xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết: “Chúng tôi hiện đang chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ, những đơn vị liên quan rà soát lại về thẩm quyền, phê duyệt đến đâu, phải đánh giá một cách cẩn thận đối với báo cáo đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai cũng như báo cáo ĐTM để có những nhận định chính xác về tác động của việc san lấp 7,7 ha trên sông Đồng Nai. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cung cấp cho báo chí và cho tỉnh sau khi có kết quả”. 

Cũng tại buổi họp báo, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ cuối tháng 3 đến tháng 4 năm nay, nền nhiệt phía Bắc cao hơn trung bình nhiều năm, phía Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 5-10/2015, nền nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1 độ C, riêng Nam Bộ và Tây Nguyên nhiệt độ dao động ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng ở khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 8- 9/2015; ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 5. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ. 

Lý giải về tình trạng này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: “Trong 10 năm gần đây, năm 2014 là năm ít mưa nhất, đấy là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân thứ hai, năm 2014 là năm ít bão, chính việc ít bão cũng ít mưa. Năm 2012, chỉ có duy nhất 1 cơn bão đổ vào giữa Phú Yên và Bình Định và tức khắc sau đầu năm 2013 hai tỉnh này cũng thiếu nước. Có rất nhiều hồ chứa không đủ nước. Việc này cũng hay xảy ra theo quy luật, đặc biệt gần đây là do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt”./.