Cũng như bao hộ dân ở vùng đất nghèo thôn 3, xã Ea Pil, huyện M'Drắk, trong nhiều năm, ông Phạm Đình Thướng chỉ quen với sắn, mía, đậu bắp. Quanh năm lao động quần quật mà cứ hết vụ thu hoạch là gia đình hết tiền.

Thấm cảnh túng thiếu quẩn quanh, năm 2014, ông quyết định chuyển toàn bộ 3 ha đất sản xuất của gia đình sang trồng nhãn lồng Hưng Yên, sau khi tham khảo một số vườn cây trong và ngoài huyện. Toàn bộ vườn nhãn được lắp đặt hệ thống tưới cố định bán tự động, đảm bảo cây sinh trưởng tốt trong cả mùa khô nóng đặc thù của địa phương.

Sau khi chi 230 triệu đồng đầu tư cùng nhiều mồ hôi công sức của 3 năm  kiến thiết cơ bản, nhãn lồng Hưng Yên trên vùng đất cát nghèo M’Drắk đã cho hiệu quả cao hơn mong đợi.

"Một ha nhãn ở đây tôi trồng khoảng 620 cây. Mỗi cây trong vụ này đạt khoảng 30 kg, như vậy tổng 1 ha thì đạt khoảng trên 20 tấn. Nếu 20 tấn này nhân với giá 25.000-30.000 nghìn đồng thì mỗi ha phải cho thu trên dưới 500 triệu đồng”, ông Thướng cho biết.

vov_nhan_1_ekjp.jpg
Mỗi ha nhãn có thể cho thu 450-500 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Đỗ Văn Đức ở thôn 4, xã Ea Pil, huyện M'Drắk cũng là nông hộ giàu lên nhờ trồng nhãn lồng. Ông Đức cho biết, 4 năm trước, ông chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc nhãn. Khi thấy cây phát triển xanh tốt, hợp với đất đai thổ nhưỡng trong vùng nên mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi toàn bộ hơn 3 ha mía sang trồng 2.000 cây nhãn. Đến nay, vườn nhãn cho thu đều đặn.

"Trồng nhãn trên đất pha cát thì hợp, cây cần nước tưới nhưng không nhiều, tuy nhiên phải lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm cho cây phát triển ra hoa đậu quả tốt. Nếu vào năm 2017-2018, các loại cây trồng khác chỉ thu vài ba chục triệu/ha thì trồng nhãn phải 500 triệu/ha/mỗi năm. Nói chung hiệu quả của nhãn thời điểm này thì phải gấp 9-10 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác trên cùng một đơn vị diện tích", ông Đỗ Văn Đức chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk, toàn huyện hiện có khoảng 1.100 ha cây ăn quả, gồm vải thiều, sầu riêng, bơ, cam quýt và nhãn. Trong đó, cây nhãn chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 350ha, tập trung chủ yếu ở hai xã Ea Pil và Cư Prao.

Ngành nông nghiệp Đắk Lắk định hướng người dân phát triển nhãn sạch theo tiêu chuẩn Vietgrap.

Ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk cho biết, sau 5 năm triển khai, bước đầu cây nhãn cho thấy hiệu quả vượt trội so với các loại cây trồng khác. Để phát triển cây nhãn ổn định, đơn vị đã và đang hỗ trợ nông dân hai xã Ea Pil và Cư Prao thành lập hợp tác xã sản xuất nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGap và đã có 30 hộ tham gia

"Để phát triển cây nhãn bền vững cho người dân ở địa phương, chúng tôi đã thành lập tổ liên kết và hợp tác xã để hỗ trợ họ, bằng cách hướng dẫn họ mua các giống cây đầu dòng đạt chuẩn, chăm sác theo tiêu chuẩn Vietgrap. Khi có được sản phẩm như cam kết, chúng tôi tìm kiếm các doanh nghiệp nhập trái cây uy tín để ký hợp đồng thu mua hỗ trợ đầu ra cho ổn định cho người nông dân", ông Nguyễn Thế Thập nói.

Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản ở Đắk Lắk như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mía đang giảm mạnh và khá bấp bênh, thì sự phát triển đa dạng của các loại cây ăn trái ở địa phương đang cho thấy những điểm sáng. Việc ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị cũng giúp ngành cây ăn trái ở tỉnh dần đi vào bài bản, phù hợp với từng vùng canh tác và yêu cầu của thị trường, giúp sản xuất được bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế./.