Từ ngày 1/1/2013, tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ nói chung sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ. Còn ít ngày nữa là việc thu phí sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách thu, chi, quản lý quỹ...

Theo nội dung Thông tư số 197 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng đường bộ, tất cả các phương tiện như xe máy, ô tô, máy kéo, sơ mi rơ moóc...sẽ phải nộp phí đường bộ theo một biểu phí do Bộ Tài chính ban hành được tính theo năm hoặc theo chu kỳ đăng kiểm xe. Như vậy, cả nước sẽ có khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô sẽ phải nộp phí đường bộ trong thời gian tới.

603484.jpg
Cả nước sẽ có 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô phải đóng phí đường bộ (Ảnh: TTO).

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Chánh văn phòng Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng: Việc thu phí sẽ tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải. Theo tính toán, xe vận tải hàng hóa mỗi tháng phải nộp phí thấp nhất là 180.000 đồng và cao nhất là 1 triệu. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn tồn tại 30 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, nên mức phí cần được tính toán giảm đi, bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải và bớt gánh nặng cho người dân:

“Đối với vận tải phải ghánh chịu quá  nhiều loại thuế và phí thì sẽ làm cho năng lực của ngành vận tải hay là sức cạnh tranh của ngành vận tải giảm sút nghiêm trọng…”- ông Toàn nói.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội thì đóng phí đi đường là trách nhiệm của mọi người. Tuy nhiên thu phí như thế nào là hợp lý, đảm bảo công bằng và quản lý sử dụng sao cho hiệu quả thì cần phải tính toán kỹ, điều này ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trong nước.

“Đây không phải là dự án, không phải vốn nhà nước, đây chính là vốn của nhân dân đóng góp, chúng ta muốn đi đường tốt thì cần phải đóng tiền để sửa chữa đường. Vậy thì phải minh bạch, có nghĩa là phải có kế hoạch chi tiêu đồng hợp lý, để số tiền đó được dùng cho hạ tầng cơ sở, được bảo dưỡng cầu đường, được làm thêm đường mới  để giao thông thuận lợi hơn. Để người dân giám sát được và được hưởng lợi ích từ sự đóng góp đó. Vì việc này liên quan đến 40% dân số cả nước…”- ông Liên nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý nhà nước về đường bộ chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng Quỹ theo quy định...khi thực hiện thu phí, những trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước trên các tuyến đường quốc lộ sẽ bị dẹp bỏ, những tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT sẽ vẫn giữ nguyên các trạm thu phí để hoàn vốn. Chính vì còn tồn tại những trạm thu phí này, nên khi xây dựng mức phí đã tính đến, để giảm bớt không để người dân phải chịu thiệt.

Vị Phó tổng cục trưởng này chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng Đề án về đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong phạm vi cả nước, theo hướng tổ chức đặt hàng, đấu thầu công khai với các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và cổ phần và thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát, quản lý của xã hội, người dân...”     

Việc thu phí bảo trì đường bộ là một chủ trương tích cực, hợp lý. Tuy nhiên, cần phải tính toán để việc sử dụng quỹ có hiệu quả và tránh hiện tượng phí chồng phí. Hơn nữa, việc thu phí gần với thời điểm Tết Nguyên đán cũng cần phải tính toán kỹ. Nếu không sẽ ảnh hướng đến chi phí giá cả vận tải, nhiều người lợi dụng thời điển nhạy cảm để tăng giá các mặt hàng khác và hậu quả là ảnh hưởng đến đời sống xã hội những ngày cuối năm./.