Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 10 đạt 133.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 116.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 3.800 tỷ đồng và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 12.950 tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 10 tháng đạt 1.221.000 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, thu ngân sách nhà nước 10 tháng vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...

Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 10 đạt 107.300 tỷ đồng. Lũy kế chi 10 tháng đạt 1.149.400 tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 257.390 tỷ đồng, chiếm 22,39% tổng chi; chi trả nợ lãi đạt 85.370 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng chi; chi thường xuyên đạt gần 798.100 tỷ đồng, chiếm 69,4% tổng chi ngân sách.

Cũng theo Bộ Tài chính, về cân đối NSNN, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư, tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương (NSTW) bội chi, ngân sách địa phương (NSĐP) có thặng dư lớn.

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Lũy kế đến ngày 28/10/2021 đã thực hiện phát hành được 253.860 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.

Trong tháng 10, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra về phòng, chống dịch.

Với các giải pháp đã thực hiện, trong 10 tháng đầu năm, giá cả thị trường cơ bản được giữ ổn định, không có biến động bất thường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2021 (tốc độ tăng CPI bình quân không quá 4%).

Trong 10 tháng đầu năm, đã thoái vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 287 tỷ đồng, thu về 2.166,4 tỷ đồng.

Về thị trường chứng khoán, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường trong tháng 10. Đến hết ngày 28/10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.438,01 điểm, tăng 7,1% so với cuối tháng trước (tăng 30,3% so với cuối năm 2020).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh dịch bệnh, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong điều hành chính sách tài chính - ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ nhiều cơ chế chính sách, trong đó điều hành tốt chính sách tài khóa phục vụ chống dịch và hỗ trợ tăng trưởng, như: các giải pháp giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; xây dựng cơ chế chính sách tài chính; hỗ trợ nguồn lực chống dịch Covid-19.

Từ tháng 10, trên cả nước đã giảm giãn cách và đang tiến hành sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

“Với khối lượng công việc khổng lồ của một bộ đa ngành, trong thời gian qua, ngành Tài chính đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Chính phủ ghi nhận”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 11 và tháng 12, ngành Tài chính sẽ tập trung hoàn thành trình Chính phủ chiến lược phát triển các lĩnh vực của ngành như: thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm, nợ công, dự trữ; xây dựng quyết định thực hiện dự toán, giao và công khai dự toán ngân sách năm 2022; hoàn thiện đề án phân cấp đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai hoá đơn điện tử, xây dựng trung tâm dữ liệu hóa đơn điện tử và quản lý bằng trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu phát hành riêng lẻ, kiểm soát việc thao túng chứng khoán; quản lý vay ODA hiệu quả; phát hành trái phiếu Chính phủ đủ để bù đắp bội chi; giải quyết dứt điểm ghi thu ghi chi hàng viện trợ không hoàn lại... ./.