Sau hơn 20 năm hoạt động, Saigon Square được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của người dân, đồng thời là điểm nóng về hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Về vụ việc này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương.
PV: Thưa ông, qua đợt kiểm tra do Tổng cục QLTT trực tiếp chỉ đạo tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và phát hiện rất nhiều sản phẩm vi phạm. Xin ông cho biết vì sao Tổng cục lại quyết tâm “đánh” vào địa điểm này?
Ông Trần Hữu Linh: Địa điểm này đã nằm trong lộ trình mà Tổng cục QLTT triển khai kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cả giai đoạn 2021- 2025.
Sài Gòn Square là Trung tâm mua sắm rất nổi tiếng của TP.HCM, nằm ở trung tâm Quận 1 - nơi tập trung rất nhiều cửa hàng và bán hàng hoá của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Và đặc biệt, trong thời gian gần đây, các chủ thể quyền các hãng nhãn hiệu nước ngoài liên tục phản ánh việc ở Trung tâm Sài Gòn Square ở quận 1, TP.HCM bán hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Chính vì thế, lần này chúng tôi đã triển khai kế hoạch với quyết tâm: Xử lý tận gốc. Và cụ thể là trong 2 ngày liên tiếp mùng 1 và 3/11, chúng tôi đã tổ chức lực lượng QLTT kiểm tra và phát hiện rất nhiều hàng hoá, đặc biệt là những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới bị giả mạo như: Louis Vuitton, Gucci, Dior, Chanel, Adidas, Nike, Hermes… với giá rất rẻ từ vài chục đến vài trăm nghìn một sản phẩm.
Qua 2 ngày kiểm đếm phân loại, lực lượng QLTT thu giữ hàng nghìn sản phẩm và gần như 100% đều là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Và việc Trung tâm thương mại Sài Gòn Square ở quận 1, TP.HCM đã tồn tại rất lâu, gần 20 năm, nên các hộ kinh doanh ở đây có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và hạn chế kiểm tra.
Đặc biệt, đây cũng là nơi mà rất nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là chúng tôi có phát hiện ra là hộ kinh doanh núp bóng của các thương nhân nước ngoài. Và khi kiểm tra thì chúng tôi thấy rằng khách nước ngoài tới đây mua sắm rất nhiều, vậy không có lý do gì ở giữa trung tâm quận 1, TP.HCM lại có một địa điểm buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, bộ mặt, uy tín của thành phố trong việc để tồn tại một trung tâm hàng giả hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lần này chúng tôi cũng có phương án xử lý tận gốc vấn nạn bán hàng giả, hàng nhái ở trung tâm này.
PV: Vâng, có thể nói đây là một quyết tâm lớn của Tổng cục trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường tại một trong những thành phố lớn của cả nước. Vậy, Tổng cục QLTT sẽ có những giải pháp triển khai kiểm soát như thế nào để tình trạng hàng giả hàng nhái không tái diễn, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Có thể nói địa điểm này không có gì là lạ đối với người dân TP.HCM, người dân cả nước và cả khách nước ngoài. Tuy nhiên, những lần kiểm tra trước đây thì có hiện tượng kiểm tra được một thời gian, sau đó hiện tượng này lại đâu vào đấy.
Nên lần này chúng tôi có mấy biện pháp: Thứ nhất là lên kế hoạch và huy động lực lượng QLTT đủ để phục vụ công tác kiểm tra liên tục trong thời gian dài. Thứ hai, là chúng tôi đã trao đổi trước với chính quyền địa phương, uỷ ban nhân dân quận 1 và cũng nhận được sự ủng hộ.
Theo tôi, việc vào cuộc của chính quyền địa phương là rất quan trọng, qua đó cho thấy sự quyết tâm trong công tác kiểm tra kiểm soát của chính quyền địa phương cùng phối hợp với lực lượng QLTT của Bộ Công Thương để từng bước hạn chế, tiến tới xoá bỏ những hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu để bảo vệ người tiêu dùng, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế một cách lành mạnh.
Và chúng tôi thấy rằng, ở những tụ điểm lớn, nổi tiếng, vị trí rất đẹp như thế này mà nếu chúng ta có phương án để bán, kinh doanh giới thiệu những sản phẩm đặc thù của địa phương, qua đó khơi dậy hình ảnh, sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá của TP.HCM đối với khách trong nước, đặc biệt với khách nước ngoài thì sẽ rất hữu ích và phù hợp. Chúng tôi cũng đã có phương án rất cụ thể và trao đổi với chính quyền địa phương để quyết tâm ngăn chặn tận gốc tình hình kinh doanh buôn bán hàng giả tụ điểm này trong suốt gần 20 năm qua.
PV:Xin ông cho biết về kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường hàng hoá dịp trước, trong và sau Tết của lực lượng QLTT?
Ông Trần Hữu Linh: Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Dương lịch. Và đặc biệt, năm nay có đặc điểm tết Dương lịch và Tết Âm lịch gần nhau, cách nhau có 20 ngày, thì ngay trong tuần này chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường cuối năm 2022 và trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Năm nay có đặc điểm, thứ nhất là về mặt hàng, lĩnh vực thì lực lượng QLTT sẽ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương; chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào mặt hàng xăng dầu, bởi vì xăng dầu là mặt hàng cần quan tâm đặc biệt trong việc kiểm soát chống gian lận thương mại và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước.
Và đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của lực lượng QLTT trong việc kiểm tra, kiểm soát hơn 17.000 cây xăng trên cả nước. Và mặt hàng này thì Chính phủ cũng như bộ Công thương đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho lực lượng QLTT phải đảm bảo.
Bên cạnh đó, thì các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép đặc biệt là mặt hàng lương thực thực phẩm, bánh kẹo, đường cát rồi hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát, cũng như động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... sẽ là những mặt hàng mà chúng tôi ưu tiên trong công tác giám sát, kiểm tra.
Đặc biệt là không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng cũng như tăng giá bất hợp lý. Hiện nay, với việc giá xăng dầu liên tục giao động, dẫn tới giá cả hàng hoá có thể tăng theo dịp cuối năm. Do vậy, công tác chống găm hàng, tăng giá bất hợp lý cũng là nội dung được tập trung kiểm tra kiểm soát. Đặc biệt, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi nhóm mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản là nhóm mặt hàng được tiêu thụ lớn trong dịp Tết Nguyên đán.
Vậy nên, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để tập trung vào các khu vực chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, cũng như các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên đường phố, làng nghề và đặc biệt sẽ kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trên kênh lưu thông, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm. pháo nổ, pháo hoa.
Trong đó, việc buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ tiếp tục được kiểm tra một cách triệt để, rồi kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật về giá đo lường, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đặc biệt mua bán trên mạng, thương mại điện tử mua bán online, các web mạng xã hội và bán hàng trực tuyến.
Đối với từng cục QLTT địa phương thì chúng tôi chỉ đạo để tăng cường công tác quản lý địa bàn cũng như phải rà soát những tổ chức cá nhân kinh doanh trên địa bàn, những tuyến trọng điểm ở gần các cửa khẩu, và đặc biệt các cửa khẩu ở phía Nam, miền đông và Tây Nam Bộ. Và trong lực lượng QLTT thì từng đơn vị một phải có phương án tổ chức lực lượng cũng như là phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý từng địa bàn để đảm bảo sự phối hợp với các lực lượng chức năng cũng như trong khâu phối hợp thực hiện như là dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023.
Đồng thời, lực lượng QLTT đã quán triệt cũng như có kế hoạch triển khai đến các Cục, 376 Đội QLTT ở trên cả nước và sẽ được thực hiện ngay từ đầu tháng 11 này.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.