Tại tỉnh Kon Tum trước tình trạng xăng, dầu tăng giá trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu để bơm nước tưới cho cây trồng của người dân tăng đột biến do đang là cao điểm của mùa khô, lực lượng chức năng đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó các đơn vị kinh doanh cũng chủ động về nguồn cung đảm bảo không để xảy ra khan hiếm, gián đoạn mặt hàng xăng, dầu tại địa phương.

Cụ thể, liên tục nhiều tuần qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu.

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của Đội có 23 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu ở 3 huyện: Đắk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Đến nay Đội chưa phát hiện trường hợp cửa hàng nào vi phạm trong quá trình kinh doanh xăng, dầu và không xuất hiện tình trạng găm hàng, ngừng kinh doanh.

“Thông qua kiểm tra Đội quản lý thị trường chúng tôi cũng tuyên truyền cho các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu biết được các chủ trương trong lĩnh vực kinh doanh. Tuân thủ quy định về giờ mở cửa, bán hàng đầy đủ. Nếu như ngừng kinh doanh phải có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng. Qua kiểm tra thời gian gần đây Đội quản lý thị trường chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về kinh doanh xăng, dầu. Xăng, dầu trên địa bàn tại 3 huyện đầy đủ phục vụ cho người dân” - ông Phúc cho biết.

Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, Chi nhánh xăng dầu Kon Tum, thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bắc Tây Nguyên chiếm phần lớn thị phần với khoảng 60%. Đơn vị này hiện có 29 cửa hàng kinh doanh. Ông Võ Duy Tuấn, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Kon Tum cho biết, tổng sức chứa của các cửa hàng đạt trên 2.300 m3. Bình quân mỗi tháng đơn vị bán ra khoảng 6.500 m3 xăng, dầu. Riêng trong tháng 1 vừa qua sản lượng bán ra tăng lên 8.000 m3. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng xăng, dầu vào mùa khô đang rất cao.

Theo ông Võ Duy Tuấn, đơn vị luôn chủ động về nguồn cung để phục vụ nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người dân. “Đơn vị thường xuyên dự trữ tầm khoảng 80% sức chứa, tương đương với 1.860 m3. Như vậy với sức chứa thường xuyên này đủ để đơn vị bán ra thường xuyên, liên tục khoảng 15 ngày. Chúng tôi có chỉ đạo các cửa hàng xăng dầu phải tăng cường bố trí lao động để sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phải chấp hành đúng thời gian mở cửa phục vụ bán hàng đúng với thời gian mà đã đăng ký với Sở Công thương. Theo dõi tồn kho thường xuyên và đăng ký nhập hàng kịp thời”./.