Xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum có 11 thôn làng. Toàn xã có 1.000ha cây công nghiệp thuộc sở hữu cá nhân, trong đó riêng cây cao su có tới 800ha. Mặc dù trồng cao su, hầu như ngày nào cũng đi khai thác mủ cao su, song không phải người dân nào trong xã cũng nắm chắc kỹ thuật khai thác mủ.

Ông A Khế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Hring cho biết, qua theo dõi, tình trạng cạo mủ cao su không đúng kỹ thuật chủ yếu xảy ra ở các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số: Qua nắm bắt của Hội Nông dân, nhiều hộ chưa hiểu rõ kỹ thuật khai thác mủ, nhiều hộ chưa học về kỹ thuật, chưa đi cạo nhiều”.

vov_cao_su_1_xxdt.jpg
Anh A Chau bên một cây cao sụ bị trọng thương do cạo mủ không đúng kỹ thuật.

Dọc hai bên tuyến đường nối từ xã Diên Bình, huyện Đăk Tô đến xã Đăk Pxi  huyện Đăk Hà dài gần 20km là bạt ngàn cao su. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác mủ.

Tiếp cận ngẫu nhiên lô cao su của một hộ dân bên đường cảnh tượng không khỏi xót xa. Trên thân những cây cao su gần 10 năm tuổi đang phát triển mỡ màng, là những vết sẹo lồi lõm do dao cạo mủ gây ra. Không ít cây lõi gỗ ở miệng cạo hở cả ra ngoài gặp trời mưa thâm xỉn lại rồi bị côn trùng tấn công.

Nói về về hậu quả của việc khai thác mủ cao su không đảm bảo kỹ thuật, ông Lục Văn Tua, thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, cho biết: “Nếu cạo không đúng kỹ thuật ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cây trồng, sẽ khiến cây không liền da được”.    

Quan sát thực tế tại nhiều vườn cây cho thấy, lỗi phổ biến mà người dân hay mắc phải trong quá trình cạo mủ cao su là cạo phạm, cạo dài dăm và độ dốc của miệng cạo không đúng kỹ thuật. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi chất cũng như ảnh hưởng đến lớp vỏ kinh tế của cây cao su. Cùng với lỗi về kỹ thuật, người dân còn hay phạm lỗi về ý thức mà điển hình là việc sau khi cạo phạm không sử dụng mỡ bôi để bảo dưỡng cây. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc miệng cạo bị khô mật độ cây cạo trong lô giảm.

Rất nhiều cây cao su bị phá hỏng miệng cạo như thế này.

Ông Dương Văn Khẩu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Kon Tum cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do trong quá trình đào tạo nghề, nông dân ít được thực hành; nhiều nơi việc thực hành được thực hiện trên cây rừng chứ không phải cây cao su. Phần nữa là do ý thức, kỷ luật lao động của người dân chưa tốt.  “Việc đào tạo tại chỗ có thể giúp người dân hiểu ngay nhưng sau đó trong quá trình sản xuất lại dần quên đi. Đối với những người khéo léo, sau khi đào tạo xong có thể cạo đẹp ngay và từ đó thành một thói quen nhất định. Nhưng cũng có những người khéo léo nhưng lại kém về ý thức. Cầm dao vào là cạo là dóc, là phạm, cứ tiếp tục như vậy mà không được uốn nắn kịp thời”.

Việc người dân khai thác mủ cao su không đảm bảo kỹ thuật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất mủ và chất lượng vườn cây hiện khá phổ biến tại nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum. Nếu không được khuyến cáo, điều chỉnh kịp thời thì  thiệt hại về kinh tế không chỉ là chuyện riêng của từng hộ dân, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển mà tỉnh Kon Tum đặt ra với loại cây trồng này./.