Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 9, lượng cao su xuất khẩu đạt 77.141 tấn, trị giá 99,1 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm hơn 28% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 954.784 tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 15/9, giá xuất khẩu cao su trung bình chỉ ở mức 1.388 USD/tấn, thấp hơn 18,8% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2017.
Tình hình tiêu thụ cao su gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa:PL&XH) |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cao su trong nước thời gian qua luôn ở mức thấp, nguyên nhân là bởi nguồn cung toàn cầu tăng cao. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc kéo dài cũng là yếu tố khiến cho ngành cao su Việt Nam bị tác động.
Đặc biệt, mới đây, trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ chịu thuế bổ sung 10% có cả lốp xe ô tô. Đây là ngành hàng sản xuất khá mạnh của Trung Quốc và sử dụng nhiều cao su. Dự báo, thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, song xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại đang có mức tăng nhanh và được giá hơn./.
"Gió đổi chiều” trên thị trường cây cao su giống, nông dân khó gỡ vốn