Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống giảm

Lực bán tăng cường trong phiên chiều 6/7 trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM có diễn biến phức tạp đã khiến các chỉ số có phiên giảm sâu. Cụ thể, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/7 giảm 3,99%, dừng tại 1.354,79 điểm, đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 1/2021. Chỉ số HNX-Index giảm 2,82% dừng tại 318,51 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 1,55%.

Lực bán tháo diễn ra trên diện rộng với số lượng lớn mã giảm trên 5%. Đáng chú ý, các mã Ngân hàng, Chứng khoán vốn tăng mạnh trong thời gian vừa qua như SSI, MBB, CTG, TCB, STB, TPB đã bị bán tới giá sàn.

Các chuyên gia của Công Ty TNHH Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm vào đầu phiên giao dịch hôm nay 7/7 và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.312 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy thị trường có thể sẽ sớm cân bằng trở lại và dòng tiền có thể sẽ phân hóa trong ngắn hạn.

“Điểm tích cực là xu hướng ngắn hạn của chỉ số nhóm Ngân hàng vẫn duy trì ở mức tăng cho nên chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể sớm hồi phục trở lại trong phiên tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh vào đầu phiên và xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 35 – 40% danh mục. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng mua cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều mới của thị trường”, chuyên gia của YSVN nêu quan điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật đã đổi trạng thái từ tích cực sang tiêu cực

Ông Lê Văn Thành, Chuyên viên Phân tích bộ phận Kinh tế Vĩ mô và Thị trường Chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng, phiên giảm điểm mạnh trong biên độ lớn và thanh khoản tương đối cao là dấu chấm hết cho xu hướng tăng trong ngắn hạn của thị trường. Do đó, hành động cần được ưu tiên ở thời điểm hiện tại đó là giảm tỷ trọng đối với những danh mục đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong tài khoản.

Theo ông Thành, thông thường, sau những phiên giảm sốc như thế này sẽ có 2 kịch bản xảy ra trong phiên tiếp theo. Kịch bản thứ nhất trong phiên giao dịch hôm nay 7/7, nếu thị trường mở đầu phiên không tiêu cực thì đây là cơ hội tốt để bán cổ phiếu. Ở kịch bản 2 có xác suất xảy ra cao hơn, nếu thị trường tiếp tục dư địa của phiên giảm 6/7 và sự hoảng loạn xuất hiện trong phiên sáng nay 7/7, kỳ vọng xuất hiện sự hồi phục vào phiên chiều để nhà đầu tư có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu.

“Gần như tất cả các chỉ báo kỹ thuật đã đổi trạng thái từ tích cực sang tiêu cực. Các đường hỗ trợ MA10 và MA20 giờ đây cũng chỉ còn là quá khứ. Với diễn biến hiện tại, chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ sớm kiểm nhiệm mốc hỗ trợ ngắn hạn 1.320 trong các phiên giao dịch tới. Trong trường hợp mất mốc 1.320, chỉ số sẽ có sự hỗ trợ mạnh tại mốc hỗ trợ trung hạn 1.200 điểm”, ông Lê Văn Thành nhận định.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ hồi phục kỹ thuật trong một vài phiên kế tiếp. Chỉ số sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.285-1.310 điểm trong ngắn hạn. Thị trường được kỳ vọng sẽ tìm lại điểm cân bằng và hồi phục tăng điểm trở lại tại vùng điểm này. Thông tin kết quả kinh doanh quý II vẫn sẽ là yếu tố chính chi phối diễn biến thị trường trong giai đoạn này.

“Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức cân bằng 50% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn có thể xem xét thực hiện mua trading nâng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi thị trường tiếp tục điều chỉnh mạnh về vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị./.