Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, từ đầu năm đến nay đã có 5 doanh nghiệp bán hơn 2.693 tấn gạo vào thị trường Mexico, thị trường mới của gạo Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết,  2013 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường này. Mặc dù các doanh nghiệp mới xuất khẩu một lượng gạo rất nhỏ so với tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhưng trong thời gian tới xuất khẩu mặt hàng này vào Mexico có thể tăng lên. Ông Ngã cũng cho biết, loại gạo được xuất chủ yếu vào Mexico là gạo 5% tấm.

Cũng theo ông Ngã, Mexico là thị trường mới và có yêu cầu khá gắt gao đối với các vấn đề về kiểm dịch đối với gạo nhập khẩu. Cụ thể, để xuất khẩu doanh nghiệp phải có giấy kiểm dịch thực vật, nêu nguồn gốc xuất xứ lô hàng, trong gạo không có 12 loại côn trùng và các loại đất cát, hạt cỏ…

Để đảm bảo điều này, chi cục đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hàng loạt khử trùng, đánh bóng, sử dụng máy tách màu để loại trừ các loại tạp chất và hạt cỏ lẫn vào gạo. Đến công đoạn đóng bao nhựa PE và nhập hàng vào container cũng phải thực hiện ban ngày để tránh bị côn trùng thâm nhập.

Năm 2012, đại diện Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã làm việc với đại diện cơ quan phụ trách các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm của Mexico để tìm hiểu cụ thể những yêu cầu của nước này để xây dựng quy trình xử lý để gạo đạt tiêu chuẩn và phổ biến lại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 6, các doanh nghiêp xuất khẩu đã giao một lượng gạo gần 700.000 tấn, trị giá FOB đạt trên 293 triệu đô la Mỹ.

Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt trên 3,4 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,5 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỉ USD. Dự tính trong năm nay Việt Nam tiếp tục xuất khẩu lượng gạo tương đương năm ngoái./.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2013, Mexico nhập khẩu một lượng hàng hóa tương đương hơn 308 triệu USD. Trong đó mặt hàng có giá trị cao nhất là giày dép với kim ngạch 93,8 triệu USD, tiếp theo đó là thủy sản, với kim ngạch 46,2 triệu USD. Cà phê, máy vi tính, sản phẩm điện tử và phụ tùng cũng là những mặt hàng được nhập khẩu phổ biến vào Mexico./.