Thị trường Phố Wall phục hồi mạnh do các nhà đầu tư hy vọng Tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Giá cổ phiếu Mỹ tăng từ 1% đến 2% vào lúc mở cửa phiên giao dịch buổi sáng.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,28% lên 9.625,28 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 3,12% lên 1.780,12 điểm, lần đầu tiên đạt "mốc" 6 lần tăng liên tiếp vào lúc đóng cửa. Chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 4,08%, kết thúc phiên giao dịch buổi chiều với 1.005,75 điểm và là lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 điểm kể từ ngày 13/10 vừa qua.

Thị trường chứng khoán phần còn lại của thế giới cũng phản ứng khá tích cực trong ngày bầu cử Mỹ. Các chỉ số chứng khoán châu Âu tăng vọt vào giữa ngày giao dịch, trong khi thị trường châu Á cũng đều tăng vào lúc đóng cửa. Chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu tăng 4,3% trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng vọt tới 6,3% lên mức cao nhất trong vòng hai tuần qua.

Nhìn chung, chỉ số chứng khoán toàn cầu, được đo bằng chỉ số MSCI World, tăng 21,8%. Các sàn giao dịch chứng khoán tỏ ra phấn chấn với hy vọng tổng thống mới của Mỹ sẽ tạo ra động lực mới giúp khai thông thị trường tín dụng vẫn trong tình trạng tê liệt và giúp kích hoạt các nền kinh tế đang chao đảo.

Nhìn chung giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ sẽ giúp loại bỏ một số nhân tố bất ổn đang đe dọa Phố Wall. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng việc ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obama thắng cử sẽ không tác động tích cực tới thị trường chứng khoán lớn như trường hợp ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain được bầu làm Tổng thống.

Thông tin từ tờ "Điện tín" (Telegraph) ngày 4/11 cho biết trong số 29 nhà kinh tế được hỏi ý kiến, 21 người cho rằng chính sách của ứng cử viên Cộng hoà, trong đó có việc cắt giảm thuế công ty từ 35% xuống còn 25% và cấm đánh những khoản thuế mới đối với ngành truyền thông, sẽ có lợi hơn cho thị trường. Chỉ có 6 trong số 29 nhà phân tích tuyên bố ủng hộ chính sách của ông Obama, trong khi 2 người không bày tỏ ý kiến.

Thuế khoá là một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất trong chặng cuối cùng của cuộc tranh cử, nhất là trong bối cảnh ông McCain cáo buộc chính sách của ông Obama là nhằm phân phối lại của cải bằng cách lấy của người giàu chia cho người ít may mắn hơn.

Tóm lại, dù ông Obama hay ông McCain đắc cử Tổng thống, một trong hai người cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là đưa nền kinh tế đầu tàu thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 8 thập kỷ qua./.