Theo Quyết định Số 39/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành ngày 10/9 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện phát ra từ các dự án điện gió trên đất liền và trên biển.
Đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương 8,5 Uscents/kWh theo tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD. Giá mua điện này được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD và cao hơn mức giá mua 7,8 Uscents/kWh đang được áp dụng từ năm 2011.
Theo Quyết định mới của Chính phủ, giá mua điện gió sẽ tăng thêm khoảng 0,7 Uscents/kWh so với mức giá hiện hành. |
Chi phí mua điện từ các dự án điện gió được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Đối với các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước thời điểm ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, được áp dụng mức giá mua điện ở trên kể từ ngày 1/11/2018 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký. Các dự án điện gió áp dụng giá mua điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.
Quyết định mới của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 1/11/2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào sử dụng./.
Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản