Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá sữa của 4 “ông lớn”, đồng thời kiên quyết xử lý theo pháp luật. Trên thực tế, giá sữa đã rục rịch tăng từ trước Tết Nguyên đán và tiếp tục tăng đợt mới từ ngày 1/3.
Nội, ngoại đều tăng
Đại diện của một siêu thị tư nhân ở TP Hà Nội cho biết theo thông báo của nhà phân phối, từ ngày 1/3 sẽ có thêm nhiều sản phẩm sữa tươi, sữa nước, sữa chua của các hãng điều chỉnh giá thêm ít nhất 10%. Theo đó, trung bình mỗi hộp sữa bột tăng từ 40.000-60.000 đồng. Chẳng hạn, sữa Nan (Nestle) số 3 hộp 900 g đã tăng mạnh từ 374.000 đồng/hộp lên 427.000 đồng/hộp.
Cả sữa nội lẫn sữa ngoại đều đồng loạt tăng giá (Ảnh: KT) |
“Chưa khi nào các hãng sữa nội đua nhau tăng giá như dịp này. Họ nói do nguyên liệu, chi phí tăng thì thành phẩm xuất ra cũng đắt hơn. Thậm chí có tiền cũng không có hàng để “ôm”. Có những sản phẩm sữa nhận được báo giá từ trong Tết, biết chắc là tăng giá, siêu thị muốn nhập nhiều hơn bình thường nhưng nhà phân phối quyết không giao hàng” - đại diện của một siêu thị cho biết.
Một số chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm sữa cho biết những đợt tăng giá trước thường tập trung vào hàng nhập khẩu nhưng lần này thì cả sữa nội. Một người có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em cho rằng mức tăng giá của sữa nội không thấm vào đâu so với sữa ngoại. Nhiều hãng sữa ngoại tuy tăng nhỏ giọt, mỗi lần vài phần trăm nhưng cả năm tăng đến 3-4 lần nên dễ qua mặt cơ quan quản lý, người tiêu dùng cũng tặc lưỡi bỏ qua.
Thiếu minh bạch
Điều đáng nói là từ khi sản phẩm sữa được “trả lại tên” và tiếp tục trở về diện quản lý giá của Bộ Tài chính thì giá thành chẳng những không giảm mà còn thi nhau nhảy múa. Chưa kể, có những doanh nghiệp (DN) tự ý tăng giá sữa khi chưa đăng ký giá và chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý về giá.
Đơn cử, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã cho tăng giá từ 5%-9% đối với 11 mặt hàng từ ngày 31-1 dù chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Nguyên nhân DN này đưa ra là do mức lạm phát 6,6% đã tác động đến các yếu tố hình thành giá của sản phẩm. Hơn nữa, chi phí nhân công dự kiến tăng 12,8%; chi phí vận chuyển dự kiến tăng 10% và giá nhập khẩu dự kiến cũng tăng 12%.
Thực tế, theo các nhà nhập khẩu sữa, từ đầu năm 2014, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đã tăng thêm 30%-57% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (tương đương 34%); bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn (tương đương 43%); dầu bơ tăng khoảng 2.096 USD/tấn (tương đương 57%). Trong nước, một DN cũng cho biết giá mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân tính đến cuối năm 2013 cũng tăng khoảng 22% so với đầu năm 2013.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, hiện việc kiểm soát giá thành sữa nguyên liệu, sữa bột, sữa hoàn nguyên, chi phí sản xuất… còn rất lỏng lẻo; phần lớn là do DN chủ động khai báo. Nếu lấy lý do sữa nguyên liệu nhập về tăng giá để đẩy giá thành lên thì các DN giải thích sao với việc trước đây, nhiều thời điểm giá nguyên liệu giảm mà giá bán ra không hạ? Đây là biểu hiện của sự thiếu minh bạch và có dấu hiệu độc quyền.
Buông lỏng quản lý?
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh - cho rằng từ trước đến nay, chúng ta chưa kiểm soát được giá sữa cũng như chưa làm rõ các dấu hiệu liên kết, chuyển giá. Do vậy, nhất thiết các cơ quan về cạnh tranh phải làm rõ việc tăng giá sữa của các DN có cùng thời điểm, cùng mức hay không… Nếu có thì đây là dấu hiệu chắc chắn cho sự bắt tay liên kết của các DN.
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong nước với đội ngũ thương vụ, hải quan ở nước ngoài còn lỏng lẻo, chưa có hiệu quả. Có trường hợp thương vụ ở nước ngoài chỉ lo làm kinh tế, đến giá cả hàng hóa trong nước thế nào cũng không nắm thì làm sao tư vấn cho hoạt động thương mại! Đội ngũ hải quan nhiều khi làm việc hời hợt hoặc tiếp tay cho qua.
“Cần chấn chỉnh hoạt động của đội ngũ làm công vụ và tăng cường phối hợp hoạt động với các thương vụ ở nước ngoài thì mới kiểm soát được đầu vào giá sữa” - ông Phú đề xuất.
Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý ở các khâu phân phối, vận chuyển, các tầng nấc thương nhân trung gian cũng là nguyên nhân đẩy giá bán lẻ sữa tới tay người tiêu dùng cao chót vót. Theo các hãng sữa, giá đăng ký kê khai tới Bộ Tài chính là giá bán buôn đến nhà phân phối. Sau đó, nhà phân phối tự quyết định giá bán lẻ đến người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng nguyên nhân khiến giá sữa khó kiểm soát trong nhiều năm liền là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt là trong kiểm soát chi phí lưu thông, chi phí chiết khấu… để bảo vệ người tiêu dùng.
Độc quyền nhóm tư nhân
Phân tích rõ thêm thực trạng thị trường sữa Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú cho biết trong số 200 DN sữa hiện nay thì không có DN nào thuộc sự quản lý của nhà nước. Mặt hàng cực kỳ thiết yếu là sữa lại 100% nằm trong tay tư nhân. Vậy vai trò của các tổng công ty thương mại nhà nước ở đâu khi hằng năm được nhà nước rót tiền bình ổn giá, hưởng nhiều ưu ái khác mà không tham gia bình ổn thị trường sữa để người dân hưởng lợi? Nếu còn tiếp tục tình trạng này thì sẽ còn hiện tượng độc quyền nhóm tư nhân trong giá sữa./.