Tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nigeria do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 4/11 tại Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, các tổ chức doanh nghiệp hai nước ngày càng tăng cường thúc đẩy trao đổi, hợp tác phát triển song phương trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

Trong 5 năm gần đây, bình quân kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 250 triệu USD. Nigeria đang trở thành thị trường thương mại và tiềm năng của Việt Nam tại châu Phi khi Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối sang thị trường này bao gồm các mặt hàng như phương tiện vận tải, máy vi tính, thiết bị điện tử.

vc2_ghrg.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nigeria.
Việt Nam nhập khẩu từ Nigeria các sản phẩm như hạt điều, sợi bông, sợi gỗ, rau quả… Hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác khác trong nông nghiệp, chế biến nông sản, gia công may mặc, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo VCCI, là thị trường lớn tại châu Phi, Nigeria hiện đang mong muốn nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh từ Việt Nam và ngước lại, Việt Nam cũng mong muốn nhập khẩu các sản phẩm thô phục vụ cho xuất khẩu.

“Diễn đàn này sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư, xuất nhập khẩu mà Chính phủ hai nước đang rất quan tâm hai nước. VCCI sẽ luôn là cầu nối tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp hai quốc gia hợp tác lâu dài, hiệu quả”, ông Đoàn Duy Khương nói.

Tại diễn đàn, ông Oye Akinsemoyin, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nigeria  - Việt Nam (NVCCI) mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực của phía Việt Nam, tận dụng thế mạnh 2 nước để phát triển chế biến các mặt hàng trong đó có nông sản.

Chủ tịch NVCCI kỳ vọng trong thời gian tới, hoạt động thương mại Nigeria - Việt Nam tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thô, hợp tác cùng sản xuất, chế biến. Đoàn doanh nghiệp phía Nigeria rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với phía Việt Nam, cùng phía Việt Nam hướng tới tương lai cùng có lợi.

“Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội hợp tác, liên doanh liên kết, cùng đầu tư, tận dụng cơ hội, công nghệ đến từ Việt Nam để làm sao có thể nội địa hóa sản phẩm tại đất nước chúng tôi, để tăng giá trị gia tăng, góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế hai nước”, ông Oye Akinsemoyin nêu rõ./.