Nhờ thực hiện tốt kế hoạch nên trong thời gian giãn cách xã hội, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm, người dân không còn tâm lý lo lắng hết hàng và tích trữ. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng trực tuyến.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới, tạm thời, lưu động… trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục. Đáng lưu ý, các điểm bán hàng này được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm thuận tiện cho người dân mua hàng.
Điều đáng quan tâm là, việc mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng đã thực sự thay đổi để thích ứng với việc phòng, chống dịch. Các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online. Tuy vậy, một số vấn đề trong mua sắm trực tuyến tại nước ta cũng cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng trực tuyến. Trên thực tế, bên cạnh các đơn vị kinh doanh làm ăn nghiêm túc, không ít trường hợp người bán hàng lợi dụng mua hàng trực tuyến, giao dịch trên không gian ảo để hoạt động, bán hàng không minh bạch, không trung thực và các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi.
“Tôi nghĩ cơ quan chức năng đã tích cực nhưng tiếp tục làm quyết liệt và quan trọng là thường xuyên hơn nữa, để làm sao mà kịp thời phát hiện và ngăn chặn tất cả những tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, kinh doanh các mặt hàng. Đặc biệt những mặt hàng đặc biệt liên quan đến phòng, chống dịch hiện nay rất nhạy cảm, cho nên phải vào cuộc quyết liệt và xử lý một cách hết sức nghiêm minh”, ông Hùng cho biết./.