Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 13 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), ngày 24/4 tại Hà Nội, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận, vẫn còn tình trạng kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh, gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Cục Quản lý thị trường cũng khẳng định, "hành vi này trước hết ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, chất lượng của các bình gas bị chiếm dụng khi đã bị cắt tai, mài vỏ là không an toàn, gây nguy cơ cháy nổ cao”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thực, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74 - Bộ Công An) kiến nghị xử lý vi phạm LPG. |
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) diễn ra rất “nóng”, trong đó có việc một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai vỏ bình của các doanh nghiệp có uy tín. Nguy hiểm hơn, có nhiều chai LPG không những bị chiếm dụng mà còn bị “cắt tai mài vỏ” không được kiểm định đã được tiêu thụ ngoài thị trường.
“Tình trạng chiếm dụng vỏ bình đã tăng lên con số rất đáng báo động. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đặc biệt gây nguy hiểm đến tính mạng cho người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thực, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74 - Bộ Công An) nhận định, riêng C74 từ tháng 1/2016 đến nay đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, xử lý 3 vụ với 12 đối tượng có hành vi vi phạm.
Bước đầu, C47 đã rút ra được một số hành vi chủ yếu là các tổ chức, cá nhân thu gom bình gas, tẩy xóa bình gas sau đó chiết nạp gas, hoặc chiếm dụng vỏ gas của các thương hiệu có uy tín sau đó tiến hành tẩy xóa tem nhãn, gian lận trọng lượng khi sang chiết, nạp gas để bán ra thị trường.
Qua thực tế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG, Thiếu tá Nguyễn Văn Thực cũng cho rằng, việc chiết nạp gas trái phép hiện nay diện ra phổ biến, diễn ra nhiều ở các khu công nghiệp. Kết quả xử lý vi phạm chưa tương xứng với những gì diễn ra trên thực tế. Các vụ việc chủ yếu mới dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa phát hiện và xử lý được những công ty lớn vi phạm nên chưa mang tính răn đe.
Khó khăn chủ yếu do kinh doanh LPG là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội, có giá trị kinh tế, thương mại lớn, gần giống với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Nhà nước quản lý theo cơ chế của kinh doanh xăng dầu. Nhiều Nghị định, chế tài xử phạt đã cũ, chồng chéo, không theo kịp diễn biến của thị trường nên việc xử lý vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, đại diện C47 đề nghị Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu, rà soát, thống nhất có kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG theo hướng tăng chế tài xử phạt, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều lần vi phạm và mức độ vi phạm ở quy mô lớn.
Để tăng hiệu quả trong kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh LPG, Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc đề xuất, các cơ quan chức năng có liên quan cần kiên quyết và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng nhỏ, lẻ không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ và không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với chính quyền cấp xã, phường đứng đầu là Chủ tịch đối với công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn.
“Nếu các doanh nghiệp đầu mối vẫn cố tình vi phạm, cần xử lý nghiêm theo quy định, kể cả thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối”, ông Lộc cương quyết./.