Một cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam tại thành phố Efurt, CHLB Đức. Ở đây có đủ loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, từ thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả tươi cho tới các đồ gia dụng... đặc trưng của Việt Nam. |
Hương trầm, bát hương, lọ hoa Bát Tràng, tiền vàng... cũng được "xuất ngoại" để phục vụ kiều bào Việt Nam sinh sống tại châu Âu. Chị Liên, chủ cửa hàng cho biết, hương trầm và các đồ sành sứ dễ hư hỏng, vận chuyển khó nên khi "xuất ngoại", giá bán của các sản phẩm này cao hơn 3-4 lần giá bán tại Việt Nam. |
Đủ loại mì, bún, phở ăn liền của Việt Nam được bày bán tại một cửa hàng thực phẩm Việt tại thành phố Lepzig, CHLB Đức. |
Đu đủ khô, dưa món, bột sương sáo của Việt Nam "xuất ngoại" sang Pháp đều có giá bán cao gấp 3-4 lần so với thị trường trong nước. Ví dụ: bột sương sáo ở Việt Nam có giá 12.000 đồng/gói, tại Pháp được bán với giá 1,55 Euro, tương đương 42.000 đồng/gói, tương đương 3,5 lần. |
Các loại cà phê Việt Nam được bán tại 1 siêu thị ở Pháp cũng có giá bán gấp 3-4 lần. Cafe phố giá bán 4,85 Euro, tương đương 131.000 đồng, trong khi tại Việt Nam có giá 39.000 đồng/hộp. Cafe Passiona có giá 5,82 Euro, tương đương 158.000 đồng/hộp, trong khi tại Việt Nam có giá 40.000 đồng/hộp, cao gấp 3,95 lần. |
Các loại trà thảo mộc của Việt Nam như: trà gừng, trà ổi, trà râu ngô... cũng được " xuất ngoại" và được rất nhiều người tìm mua. |
Bột đậu nành hạt sen Bích Chi có giá bán tại Việt Nam là 20.000 đồng/gói 350 gram, tại Pháp được bán với giá 2,39 Euro, tương đương 65.000 đồng/gói, cao gấp 3,25 lần. |
Ô mai mơ cam thảo Tiến Thịnh được bán tại Pháp với giá 5,95 Euro/hộp 200 gram, tương đương 160.000 đồng, trong khi tại Việt Nam có giá bán 44.000 đồng/hộp 200 gram, cao gấp 3,6 lần. |
Theo chủ một cửa hàng thực phẩm Việt Nam ở thành phố Lepzig, CHLB Đức, các loại gia vị Việt Nam như gia vị phở, gia vị bún riêu... bán rất chạy. Trước kia, khách hàng chủ yếu là người Việt Nam, nhưng 1-2 năm trở lại đây, rất nhiều khách châu Âu tới mua hàng rất đông. |
Các loại hồi, quế, thảo quả được dùng để nấu phở bò, sốt vang kiểu Việt Nam cũng rất đắt khách. |
Hành khô sấy, hành phi của Việt Nam cũng luôn sẵn sàng phục vụ các thực khách ở châu Âu. |
Đủ loại bún, miến, phở khô "made in Vietnam". |
Bánh đa nem được bán với giá 3 Euro/gói, tương đương 81.000 đồng, cao gấp khoảng hơn 3 lần so với giá bán tại Việt Nam. |
Mùa hè, các loại đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ khô của Việt Nam đều bán rất chạy. |
Tại Đức, có thể dễ dàng tìm thấy đủ loại rau đặc trưng của Việt Nam, tuy nhiên, giá khá cao. Ví dụ: rau cải cúc có giá 2 Euro/bó, tương đương 54.000 đồng; rau mùng tơi 2,5 Euro/mớ, tương đương 67.500 đồng, gừng 4 Euro/kg, tương đương 108.000 đồng/kg... |
Bát, đũa, nồi cơm điện, ấm sắc thuốc, gạo, nước mắm, xì dầu... "made in Vietnam" cũng được "xuất ngoại" với giá cao gấp nhiều lần so với giá bán tại thị trường trong nước. |
Chủ một cửa hàng Việt Nam tại Erfurt, CHLB Đức cho biết, một tuần hai lần chị phải nhập các loại hàng từ Việt Nam sang để phục vụ các khách. Càng ngày lượng khách mua hàng Việt tại đây càng tăng cao, đặc biệt là hàng thực phẩm. |