Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay được kỳ vọng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã giảm chi phí vốn, khôi phục sản xuất nhanh hơn, tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc trong gói hỗ trợ cần được nghiên cứu, tháo gỡ để có thể triển khai nhanh chóng, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. 

Tại hội nghị triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) và Thông tư 03/2022/TT-NHNN (Thông tư 03) hướng dẫn chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu: Tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định trong toàn hệ thống. Đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2022, 2023 và từng năm theo quy định tại Nghị định 31. Theo thông tư hướng dẫn vừa được NHNN ban hành, khách hàng được giảm trừ trực tiếp lãi suất đối với kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5 đến hết ngày 31/12/2023, hoặc đến khi gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sử dụng hết.

Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp kinh doanh trong mọi lĩnh vực sẽ được hỗ trợ lãi suất, mà chỉ có 11 nhóm ngành và lĩnh vực mà Chính phủ quy định tại nghị định 31. Đó là các khoản vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp...

Ngân hàng Agribank cho biết, từ ngày 26/5, ngân hàng này đã bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế, áp dụng đối với các thoả thuận cho vay, giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5 đến 31/12/2023.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, ngân hàng sẽ rà soát những khách hàng đã có hợp đồng tín dụng từ đầu năm để hỗ trợ bổ sung cho những đối tượng trong diện được hỗ trợ. "Về mặt nguyên tắc chúng tôi xác định 11 nhóm ngành trong nhóm được ưu tiên thì đều được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ rà soát và những khoản đã giải ngân từ 01/01 thì sẽ gặp gỡ khách hàng để thoả thuận bổ sung, cam kết hỗ trợ cho khách hàng".

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang rất trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được. Nếu theo luật của các tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp (DN) tiếp cận được rất ít với điều kiện: Không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Hơn 2 năm dịch bệnh nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay chuyển nhóm nợ.

Anh Trần Anh Tú, Giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Tú cho rằng các doanh nghiệp rất mong chờ được áp dụng ngay gói lãi suất ưu đãi. "Tại thời điểm này mà được áp dụng luôn mới kịp thời, các doanh nghiệp đều cần có nguồn vốn để duy trì, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng tái đầu tư. Khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp cần đầu tư mới để thu hút lao động, mở rộng sản xuất nên ý nghĩa nhất là các chính sách hỗ trợ được triển khai ngay".

Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, Nghị định 31 đã quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất. Những tiêu chí để được vay gói hỗ trợ này khá chặt chẽ và khó đạt được trong bối cảnh 2 năm qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ Ngân hàng Nhà nước để các tổ chức tín dụng thực hiện triển khai, từ đó các tổ chức tín dụng sẽ xây dựng kế hoạch cho vay phù hợp với các quy định.

Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng cũng đề nghị chi nhánh NHNN các tỉnh thống nhất trong cách truyền thông, không để tình trạng lúng túng, mỗi ngân hàng giải thích với khách hàng 1 kiểu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội MB nêu ra một trong những vướng mắc khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất: "Trong Nghị định quy định các khoản nợ hỗ trợ không được tham gia các chương trình hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khác, các ngân hàng quốc doanh có thể biết các chương trình đó, nhưng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, không thể nắm được các khách hàng cam kết đó đã được hỗ trợ từ các chương trình khác hay chưa, do vậy chúng tôi kiến nghị trước mắt giao cho khách hàng cam kết, sau đó nhờ Vụ tín dụng xác minh hoặc hướng dẫn cụ thể về nội dung này".

Một vấn đề các tổ chức tín dụng cũng đang kiến nghị, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất lớn, chẳng hạn như với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng 9%. Với chính sách này, dự kiến sẽ có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng được đưa ra nền kinh tế. Do đó, để có thể cho vay hỗ trợ lãi suất kịp thời cho khách hàng, các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng./.