Từ đầu tuần qua, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6%/năm. Việc NHNN hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế ở mức thấp được đánh giá là tích cực và hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Việc giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ tạo thêm cơ hội để các ngân hàng (NH) giảm lãi suất đầu ra. Nhưng nếu chỉ giảm lãi suất huy động không thôi thì chưa đủ, liệu vốn có đi vào nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh? Theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh sức cầu vẫn yếu, sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, sản phẩm làm ra không bán được, doanh nghiệp chỉ dám sản xuất cầm chừng như hiện nay thì việc đẩy vốn ra nền kinh tế vẫn rất khó. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn. Hơn nữa, không phải khách hàng nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp này.
Hiện tại những doanh nghiệp xếp hạng tín dụng thấp vẫn không có “cửa” vay vốn. Hơn nữa, các NH vẫn yêu cầu muốn vay phải có tài sản thế chấp, nhưng doanh nghiệp đủ điều kiện này hầu hết đang thuộc diện “con nợ” nên dù “thiếu vốn”, “khát vốn” vẫn rất khó để tiếp cận NH để vay nữa. Chỉ những doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, có phương án kinh doanh khả thi mới được NH “mở két”. Các NH có lý của họ, vì nếu không chặt chẽ như thế lại xảy ra rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu, khi ấy ai “gánh” trách nhiệm thay cho họ? Theo bản tin Ngân hàng HSBC, khung lãi suất hiện nay đã là hợp lý và thanh khoản hệ thống đang dư thừa, thủ phạm đứng đằng sau hiện trượng tăng trưởng tín dụng trì trệ thời gian qua chính là nợ xấu.
Bởi vậy, “đầu ra” của các NH vẫn chưa hết khó. Nói cách khác là tiền thì có nhưng vẫn ế vì thiếu người vay khiến bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sĩ Kiêm, lãi suất cho vay đã giảm, song vẫn còn cao gần gấp đôi so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp vì lợi nhuận bình quân thu được của khối doanh nghiệp này hiện chỉ ở mức 6-7%/năm. Như vậy nếu vay vốn cao hơn mức đó, coi như doanh nghiệp làm không công và nguy cơ thua lỗ là hiện hữu.
Để “kích” tín dụng, đẩy vốn ra nền kinh tế, chỉ giảm lãi suất thôi vẫn chưa đủ cho mục đích thông vốn, mà phải có các biện pháp kích cầu tiêu dùng để doanh nghiệp có thị trường, tiếp tục vay vốn sản xuất kinh doanh để thoát khỏi khó khăn hiện nay. Việc thúc đẩy các quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, giải quyết rốt ráo vấn đề nợ xấu… cũng cần thiết để lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho dòng vốn lưu thông đúng chỗ, mà không chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất tạo ra tăng trưởng ảo trên thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… Nếu không, việc sử dụng việc giảm lãi suất như một công cụ điều hành chính có thể lại đẩy các NH từ thừa vốn sang thiếu vốn khi người dân gửi tiết kiệm như hiện nay sẽ theo đuổi các hình thức đầu tư tài sản khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế”, Ngân hàng HSBC phân tích./.