Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, khối thị trường Trung Đông và châu Phi có tiềm năng lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao đối với các sản phẩm nông, lâm thuỷ sản Việt Nam.

Là một doanh nghiệp từng xuất khẩu mặt hàng gạo sang châu Phi, ông Hoàng Quốc Thuận, Công ty TNHH Thương mại Quốc Thuận chia sẻ, châu Phi có 55 nước với các thể chế và định hướng phát triển khác nhau, có nhiều luật và tiêu chuẩn khác nhau.

“Khi kinh doanh tại châu Phi, doanh nghiệp cần đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ về luật pháp, thể chế, các quy định cụ thể liên qua đến lĩnh vực kinh doanh của mình”, ông Thuận chia sẻ.

vinamilk_2_3__pxge.jpg
Một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường Trung Đông. (Ảnh minh họa: KT)
Ở góc độ là cơ quan quản lý, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, châu Phi có 55 nền kinh tế với những quy định khác nhau và ngặt nghèo. Ngay như ở Nigeria, để có một mã sản phẩm dược phẩm đăng ký xuất khẩu vào thị trường này phải mất 3-5 năm. Sản phẩm muốn xuất khẩu vào Nigeria phải được cơ quan chức năng của Nigeria đi khảo sát thực tế, đánh giá và đồng ý thì quốc gia này mới đồng ý nhập khẩu.

“Ngoài ra, một số rào cản mới nảy sinh như việc đăng ký sản phẩm hàng hóa với chính quyền. Một số thị trường trong khối còn tăng thuế nhập khẩu 10% nhiều mặt hàng làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, bà Phương cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Lý Quốc Thịnh, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, nhiều rào cản kỹ thuật, bảo hộ thị trường được dựng lên ở một số nước như Thổ Nhĩ, Kỳ, Israel càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó tiếp cận. Các quốc gia trong khối mặc dù không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng việc thiếu thông tin, rủi ro trong thanh toán... cũng đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu e ngại.

Bởi lẽ trên thực tế, tập quán thanh toán của doanh nghiệp châu Phi, Trung Đông ít khi dùng thanh toán bằng L/C mà chủ yếu dùng D/P khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, đồng thời làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu sang Ai Cập đã chấp nhận cho thanh toán chậm, cho nợ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại yêu cầu thanh toán ngay. Cùng lúc bối cảnh nguồn thu ngoại tệ của Ai Cập giảm, nhà nước thắt chặt ngoại tệ khiến doanh nghiệp ít có cơ hội tiếp cận nguồn ngoại tệ, đương nhiên doanh nghiệp Ai Cập chọn doanh nghiệp Trung Quốc để được thanh toán sau.

Với thực tế này, bà Đại sứ nước Cộng hòa Nam Phi - Kgomotso Ruth Magau thừa nhận các doanh nghiệp hai bên đang thiếu thông tin về cơ hội kinh doanh cũng như môi trường văn hoá xã hội.

“Không ai có thể nắm bắt cơ hội nếu như không biết cơ hội đó đang tồn tại”, vị đại sứ nói và cho biết, Đại sứ quán Nam Phi đã nhận được nhiều yêu cầu từ phía doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì thế, đối với những vấn đề còn là trở ngại trong giao dịch thương mại với Việt Nam, bà Đại sứ quán cho biết, đã có trao đổi với cơ quan Hải quan Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan, từ khâu nhập đến nhập khẩu tháo gỡ từ đó thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại với Việt Nam.

Đồng thời theo bà Kgomotso Ruth Magau, chính phủ hai nước cần thông tin, được tiếp cận một cách dễ dàng. Chính phủ cũng như doanh nghiệp hai bên cần liên tục có những hoạt động đối thoại, gặp gỡ trực tiếp.

Để làm được điều này, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận thông tin về pháp lý. Doanh nghiệp hai nước hiện nay đang trong tình trạng không nắm được hoặc không hiểu các điều kiện kinh doanh. Điều này dẫn tới tình huống “khó khăn trong kinh doanh” khiến doanh nghiệp nản lòng.

“Nếu chúng ta tạo điều kiện để thông tin về các điều kiện và thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận thì sẽ dễ dàng hơn cho các DN khi làm ăn kinh doanh, gồm các thông tin về các ưu đãi trong kinh doanh và thủ tục xin visa...”, bà Kgomotso Ruth Magau nói./.