Chốt tuần này, giá mua – bán vàng SJC ở mức 37,8-38,1 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (19/8) ở mức 37,95-38,25 triệu đồng/lượng, vàng SJC giảm giá đều 150.000 đồng/lượng cả ở chiều mua vào và bán ra.
Diễn biến trong suốt tuần, vàng SJC không có tăng, giảm đột biến. Thời điểm giá vàng SJC bán ra lên cao nhất là 38,35 triệu đồng/lượng lúc 10h20 ngày 19/8. Còn giá bán ra thấp nhất là 37,85 triệu đồng/lượng ngày 22/8.
Ở chiều mua vào, thời điểm lên cao nhất là 38,1 triệu đồng/lượng, lúc 11h30 ngày 19/8, còn thấp nhất là 37,5 triệu đồng/lượng lúc 10h50 ngày 23/8.
Về mức chênh giá mua – bán vàng SJC tuần này chủ yếu quanh mức 200.000 -300.000 đồng/lượng, cá biệt có khoảng thời điểm sáng 20/8 lên 400.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng mở cửa phiên đầu tuần này ở giá 1.377 USD/oz, tương đương giá chốt phiên tuần trước. Tuy nhiên, đến chốt phiên cuối tuần, giá ở 1.398 USD/oz. Như vậy, tính so đầu tuần và cuối tuần, giá vàng thế giới tăng 21 USD/oz.
Về diễn biến trong cả tuần, giá vàng thế giới tuần này cũng không có đột biến, giá chủ yếu ở vùng 1.360-1.375 USD/oz. Giá chốt tuần 1.398 USD/oz cũng là mức giá cao nhất trong tuần.
Chênh giá giảm về mốc 2 triệu đồng/lượng
Một trong những thông tin vẫn gây chú ý mạnh liên quan đến giá vàng là khoảng chênh giữa vàng trong nước và thế giới. Trong tuần này, khoảng chênh này đã có lúc giảm xuống ngưỡng 2 triệu đồng/lượng. Thời điểm chênh thấp nhất là 2,51 triệu đồng/lượng là lúc chốt tuần 8h30 ngày 24/8. Còn lại, trong tuần phổ biến chênh ở ngưỡng 3,1 triệu đồng/lượng.
Dự đoán về xu hướng giá vàng thế giới tuần này, đa số ý kiến của các chuyên gia theo, khảo sát của Kitco, đã đều cho rằng giá tiếp tục tăng dựa trên sự dịch chuyển giá quá ấn tượng diễn ra trong tuần trước. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ chung quan điểm với sự gia tăng mạnh mẽ của giá vàng tuần vừa qua sẽ tạo đà để có thể lan sang tuần tiếp theo.
Tuy mức tăng trong tuần này chưa vượt mốc dự báo giá cao nhất của tuần này khoảng 1.400 USD/oz, nhưng với mốc 1.398 USD/oz, dự báo của Kitco đã sát thực.
Tuần này, nhà đầu tư chờ đợi thông tin từ cuộc họp lãi suất của FOMC. Cùng với đó, các thương nhân và nhà đầu tư vẫn dõi theo tình trạng bất ổn tại Ai Cập.
Khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp Ủy ban thị trường mở tháng 7 cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban đã khá đồng thuận với kế hoạch của Chủ tịch Fed Ben S.Bernanke bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu cuối năm nay sau khi nền kinh tế Mỹ được cải thiện. Lập tức sau đó, giá vàng đã giảm, mặc dù không sâu. Thương nhân và nhà đầu tư vẫn đang theo dõi tình trạng bất ổn tại Ai Cập.
Trong tuần, khi HSBC công bố chỉ số sản xuất PMI sơ bộ tháng 8 của Trung Quốc bất ngờ vượt 50 điểm, cao nhất 4 tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới của Trung Quốc tăng. Theo các chuyên gia Trung Quốc là nhà tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ, vì vậy, kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ tạo nhiều động lực cho thị trường vàng. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng bị hạn chế khi dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi. Nhà đầu tư đã lo ngại Fed sớm cắt giảm kích thích kinh tế, giá vàng đồng thời không còn là nơi trú ẩn an toàn.
Giữ hộ vàng miếng, ngân hàng phải ghi rõ số serie
Trong tuần còn nổi lên với thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Theo dự thảo này, để thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng, các ngân hàng phải đảm bảo nhiều điều kiện. Trong đó, có quy định: Trong hợp đồng bảo quản vàng miếng, theo quy định, tối thiểu phải có các nội dung như: Tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (đối với khách hàng cá nhân), Số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác chứng minh tư cách pháp nhân (đối với khách hàng là pháp nhân) của các bên tham gia hợp đồng;
Loại vàng miếng, số serie (nếu có), đặc điểm vàng miếng gửi bảo quản; số lượng vàng miếng gửi bảo quản; Phí bảo quản vàng miếng; Thời hạn bảo quản vàng miếng; Hình thức trả lại vàng miếng bảo quản; Địa điểm nhận và trả lại vàng miếng; Quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ngân hàng chỉ được sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng để trả vàng miếng đã nhận bảo quản cho khách hàng khác trong trường hợp khách hàng thỏa thuận đồng ý trả lại vàng miếng cùng loại, cùng nhãn hiệu, cùng chất lượng, khối lượng với vàng miếng khách hàng đã gửi bảo quản.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các ngân hàng sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, chuyển đổi, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay.
Ngân hàng cũng không được ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng; không được cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng qua các đại lý.../.