Chốt phiên giao dịch tuần này (17-22/3), giá vàng SJC được niêm yết giá mua - bán 35,97-36,03 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới đứng ở giá 1.334 USD/oz. So với giá mở cửa phiên đầu tuần (36,42 – 36,48 triệu đồng/lượng), giá vàng SJC lúc chốt tuần giảm 450.000 đồng/lượng, còn vàng thế giới giảm 49 USD/oz từ mức 1.383 USD/oz giá đầu tuần.

Vàng SJC giảm giá 450.000 đồng/lượng

Cuối tuần trước đã có nhiều dự báo cho rằng, tuần này, giá vàng tăng mạnh nhờ lực mua vàng phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga về vấn đề Crimea tiếp tục gia tăng. Cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine và kết quả cuộc họp FED được dự báo sẽ quyết định hướng đi của giá vàng tuần tới. Tuy nhiên, diễn biến thực của giá lại không như kỳ vọng.

bieudogiavangsjc.jpg
Biểu đồ diễn biến giá vàng SJC tuần từ  17-22/3

Dưới sự tác động từ thị trường thế giới, giá vàng trong nước đã tăng giá ngay từ phiên đầu tiên. Cụ thể, lúc 8h00 ngày 17/3, vàng SJC mở cửa tuần ở giá 36,42 – 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên tuần trước. Sự khởi đầu này hứa hẹn nhiều bất ngờ khả quan cho thị trường trong suốt tuần. Nhưng thực tế giá vàng đã không đạt được sự khởi sắc cho cả tuần. Bởi ngay sau sự khởi đầu đó, khi chốt phiên ngày đầu tiên của tuần giá vàng SJC đã lao dốc.

Trong tuần, dù ngưỡng giá cũng có nhiều lần biến động và tìm đà tăng, nhưng kết quả là nhiều thời điểm giá vàng tuột khỏi mốc 36,0 triệu đồng/lượng. Đến phiên chốt tuần, giá vàng dù đã giữ được mốc này, nhưng vẫn vẽ đường dốc của giá chung cho cả tuần với đáy sâu nhất tuần là 35,87 triệu đồng/lượng vào 8h30 ngày 20/3. Rồi chốt tuần nhích nhẹ lên và dừng ở 36,03 triệu đồng/lượng.

Mức chênh giá mua -  bán vàng SJC suốt tuần qua vẫn giữ được mức thấp, khoảng 60.000-70.000 đồng/lượng.

Fed và Crimea gây sóng cho thị trường vàng giảm giá

Thị trường thế giới, suốt tuần qua, thông tin về tình hình Crimea và cuộc họp của Fed là các tác động chính đến giá vàng. Căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây trước tình hình đa số nhân dân ở khu tự trị Crimea của Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập với Nga khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh để bảo toàn tài sản của giới đầu tư. Ngay phiên đầu tuần, giá vàng đã tăng nhẹ lên 1.383 USD/oz.

Tăng chênh giá vàng trong nước - quốc tế Cả tuần, chênh giá vàng  SJC trong nước và thế giới phổ biến ở mức từ 1,3-2,0 triệu đồng/lượng, với xu hướng tăng chênh hiện rõ khi càng về cuối tuần chênh càng cao, và chốt tuần đã tăng chênh lên trên 2 triệu đồng/lượng.

Rất nhiều dự báo đã kỳ vọng giá vàng tăng mạnh trong tuần này nhờ lực mua vàng phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga về vấn đề Crimea tiếp tục gia tăng. Cuộc trưng cầu dân ý ở Ukraine và kết quả cuộc họp FED được dự báo sẽ quyết định hướng đi của giá vàng cả tuần. Thậm chí, có dự báo sự gia tăng bất ổn có khả năng sẽ đưa giá vàng tiếp cận mốc 1.400 USD/oz.

Nhưng ngay cuối phiên ngày 17/3, giá vàng thế giới đã đổ đèo về 1.373 USD/oz và sau đó là 1.360 USD/oz vào ngày 18/3.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 2 được công bố đã tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2013. Con số này thấp hơn kỳ vọng của thị trường đồng thời tác động đến chính sách kích cầu tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tỷ lệ lạm phát của EU cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB là 2,0% mỗi năm.

Chỉ số đồng Nhân dân tệ trong tuần cũng trở nên suy yếu so với đồng USD, tạo đà giảm cơ bản cho bất kỳ hàng hóa nào được định giá bằng đồng USD trên thị trường thế giới, trong đó có vàng.

Đặc biệt, khi Crimea chính thức gia nhập LB Nga, đã nhanh chóng tác động đến giá cả thị trường thế giới, trong đó có sự giảm giá vàng. Vàng giảm giá có phần do tác động sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin với quốc hội Nga về việc Nga sẽ không tìm cách sáp nhập các khu vực khác của châu Á, sau khi sáp nhập Crimea. Đây được coi là hành động xoa dịu thị trường. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng cao hơn và giá vàng giảm xuống, mức giá vàng  giảm sâu về 1.327 USD/oz lúc cuối  phiên 20/3.

Về cuối tuần, tác động đến biến động giá vàng là sau báo cáo mới nhất Ủy ban thị trường tự do Liên bang Mỹ (FOMC) và cuộc họp báo của Chủ tịch FED, bà Janet Yellen cho hay, FOMC sẽ tiếp tục chương trình giảm mua trái phiếu hang tháng xuống 10 tỷ USD/tháng. Điều này cho thấy dấu hiệu FED có thể bắt đầu tăng lãi suất của Mỹ sớm hơn nhiều người mong đợi, có thể trong năm 2015.Cùng với đó, chỉ số đồng đô la Mỹ tăng sau sự phát triển FOMC, do đó là một yếu tố cơ bản khiến cho thị trường hàng hóa giảm giá, trong đó có vàng. Và thực tế, vàng thế giới đã trải qua một tuần giảm giá, với mức giảm 49 USD/oz sau 1 tuần.

Như vậy, xu hướng giảm giá vàng bao trùm cả thị trường trong nước và quốc  tế tuần qua. Tuy vậy, mức giảm cụ thể của vàng thế giới cao gấp hơn 2 lần so với vàng trong nước khi  vàng SJC giảm 450.000 đồng/lượng, còn vàng thế giới quy đổi giảm 1,034 triệu đồng/lượng./.