Những ngày gần đây, sau thông tin giá xăng và giá điện tăng, người tiêu dùng Việt Nam - nhất là các bà mẹ - lại “choáng” trước thông tin giá sữa tăng. Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 5 của sữa (hay theo tên gọi mới là thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung).
Câu chuyện giá sữa tăng không mới. Kết quả thấy được cũng không mới: Người tiêu dùng buộc phải chấp nhận sự tăng giá ấy. Nhưng nó cho thấy một điều đáng quan tâm: Dù có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến pháp lệnh, nghị định… nhưng dường như cơ quan quản lý vẫn bất lực với giá sữa.
Trăm ngàn lý do tăng giá
Việc hãng sữa Dutch Lady vừa thông báo đến các nhà phân phối tăng 6.000 đồng/thùng sữa dường như đang là một sự thách thức đối với người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý Việt Nam. Bởi lẽ, số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 5 doanh nghiệp sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% - 16% cho cơ quan này.
Giá sữa năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước 30 - 40%. (Ảnh: vtv.vn) |
Tháng 1, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng từ 15% đến 16%, đồng thời Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (nhà phân phối sản phẩm của Mead Johnson Nutrition Việt Nam) tăng giá 3 mặt hàng 9% - 10%.
Tháng 2 lại có thêm 2 doanh nghiệp tăng giá sữa là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam - tăng 31 mặt hàng từ 2% - 9,5% và Công ty TNHH Friesland Campina - tăng thêm 9% một số mặt hàng. Tháng 5, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tăng giá 3 mặt hàng với mức 8% từ ngày 10/5... Lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra là các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tiền lương... tăng.
Trước thực tế này, người mua sữa như chị Nguyễn Kim Oanh ở Hà Đông, Hà Nội chỉ còn biết ngậm ngùi chấp nhận: “Sữa liên tục thông báo tăng giá mà chúng tôi thì vẫn phải mua sữa cho con, chẳng có cách nào ngoài việc chấp nhận vì không mua thì lấy gì cho con ăn? Chỉ mong các cơ quan quản lý có cách nào quản lý được việc tăng giá sữa cho chúng tôi đỡ khổ”.
Ngoài sữa nhập khẩu chính ngạch, các sản phẩm "xách tay" trên thị trường cũng có hiện tượng tăng giá với nhiều lý do như giá đầu vào tăng, tỷ giá tăng… Chị Thu Vân - một đại lý sữa trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho biết, “các hãng sữa tăng giá thì đại lý phải tăng, vì đại lý nói giá nguyên liệu đầu vào tăng…”.
Có thể thấy câu chuyện tăng giá sữa năm nào cũng diễn ra. Tuy với tốc độ khác nhau, nhưng kết quả chung vẫn là giá sữa năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước khoảng 30 - 40%.
TS. Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả cho rằng, chỉ khi các cơ quan chức năng thật sự vào cuộc, giá sữa mới trở về mức hợp lý. Các đợt thanh tra, kiểm tra về giá trước đây đã cho thấy hầu hết sản phẩm của các hãng sữa ngoại có thị phần lớn tại Việt Nam như Abbott, Mead Johnson... đều có giá bán lẻ cao gấp nhiều lần giá vốn.
“Muốn biết đó có phải giá thành sản xuất thật sự của hàng loạt sản phẩm sữa hay không cũng không khó vì cơ quan chức năng ở Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để điều tra nhà sản xuất thật sự”, TS. Long chỉ rõ.
Đồng quan điểm này, Luật sư Lê Hồng Lam, Văn phòng Luật Lạc Việt, cho rằng: “Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể thực hiện các chương trình thanh tra, kiểm soát giá sữa như các nước đang làm, vấn đề là cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau để thống nhất phương thức quản lý. Còn về phía người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách lấy hóa đơn để làm bằng chứng khi có sự tăng giá bất hợp lý”.
Giá sữa đang được thả lỏng?
Theo tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), một nghịch lý là mặc dù trong những tháng đầu năm 2013, sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm mạnh, từ 750 đến 1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011, nhưng không có doanh nghiệp sữa nào giảm giá ở thị trường Việt Nam.
Vấn đề hiện nay là, quy định mới của Bộ Y tế về việc sản phẩm có hàm lượng đạm 34% trở lên mới được ghi là sữa đã tạo cơ hội cho các hãng sữa lách luật khi ghi nhãn không phải là sữa mà là thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung…
TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam - cho rằng: “Chúng ta có thông tin từ Hải quan, từ thương vụ. Quan trọng là căn cứ và làm rõ các yếu tố hình thành giá… Nếu cần thiết thì phải đưa các tên gọi thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vào luật giá để đảm bảo việc kê khai giá sữa”.
Ông Vũ Vinh Phú - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thẳng thắn thừa nhận: Sự yếu kém của các doanh nghiệp thương mại nhà nước trong việc tham gia thị trường này cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta khó khống chế được giá sữa.
“Gần 200 nhà nhập khẩu sữa toàn là khối tư nhân, không có một tổng công ty thương mại nhà nước nào, trong khi đây là thị trường nóng bỏng. Theo tôi, để quản lý được giá sữa thì chúng ta phải có một lượng sữa lớn để lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, trong đó phải có sự tham gia của các Tổng công ty thương mại lớn để đóng vai trò đầu mối dẫn dắt thị trường” ông Phú nói.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có dự báo giá sữa sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong thời gian tới vì giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới 6 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng so với cuối năm 2012. Trong khi đó, thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào hàng nhập khẩu khi mà sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Liệu đây có phải là cơ hội cho các hãng sữa Việt Nam hay không?
Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood - cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục chiến lược phát triển được hình thành từ nhiều năm nay và đang nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm sữa có thể thay thế sữa ngoại nhập. Giá bán sữa Nutifood so với sữa cùng loại nhập khẩu chỉ bằng 50 - 70%”.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới. Giá bán lẻ trung bình tại Việt Nam là 1,4 USD/lít, Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu - Mỹ 0,5-0,9 USD/lít.
Với đà tăng của giá sữa liên tục qua các năm và chưa một lần giảm giá như hiện nay, nếu các cơ quan quản lý vẫn không tìm được giải pháp kiểm soát giá hữu hiệu, thì những người dùng sữa Việt Nam (chủ yếu là trẻ nhỏ, người già, người bệnh và phụ nữ có thai) sẽ nhanh chóng trở thành những người xài sang nhất thế giới./.