Trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật giá, câu chuyện về điều hành giá sữa lại được đưa ra mổ xẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc cân nhắc có nên đưa sữa vào danh mục các mặt hàng cần bình ổn, đăng ký giá hay không.

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (đoàn Cao Bằng) đề nghị nên xem xét và loại bỏ sữa ra khỏi danh mục hàng hóa cần bình ổn. Lý do được đại biểu đưa ra là sữa không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, trừ những sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý. Bởi vì theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới cũng như của Chính phủ trong Nghị định 21 năm 2006 thì sữa công thức chỉ là thực phẩm bổ sung cho sữa mẹ. Lý do nữa là đã có thị trường sữa cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với 230 nhà nhập khẩu.

“Thị trường sữa đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu, người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả từ giá thấp đến giá cao. Khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường mặt hàng này hiện nay không có, doanh nghiệp không có quyền áp đặt giá cao một cách tùy tiện trong thị trường cạnh tranh” – đại biểu Mai Lan nói.

Chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi rất cần thiết phải bình ổn, nhưng trên thực tế chúng ta lại không làm được việc này mà chủ yếu phải áp dụng các biện pháp quản lý giá khác.

Từ thực tế điều hành thị trường sữa thời gian qua, Luật sư Trần Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng những biến động, thiếu kiểm soát của giá sữa từ trước đến nay đều là vấn đề của quản lý Nhà nước. Nhà nước quản lý từ khâu nhập khẩu, các chính sách về ngoại tệ, từ nhà sản xuất đến nhà trung gian rồi đến thị trường, tuy nhiên rất lỏng lẻo. Trong Dự thảo Luật giá có ghi khi tình tình hình bất bình thường mới tính đến chuyện bình ổn giá chứ không phải làm thường xuyên. “Nhưng một khi tình hình bất bình thường thì chúng ta cũng phải xem bình ổn cái gì?” – đại biểu Trần Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Thực tế, chúng ta đã không thể cứ áp dụng mãi biện pháp đăng ký giá. Điển hình là đã không thành công trong trường hợp cố gắng can thiệp vào bình ổn giá sữa, giá gas, giá thuốc chữa bệnh... Sự bất ổn trên thị trường gas, sữa và thuốc chữa bệnh là do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý bất cập trong hệ thống phân phối và có sự can thiệp hành chính của nhà nước.

Trong trường hợp Nhà nước vẫn can thiệp vào thị trường này, theo đại biểu Nghĩa, khi can thiệp thì cũng không nên đại trà, đồng loạt mà phải can thiệp phân khúc nào đó của thị trường thì mới đạt hiệu quả. Nếu chúng quản lý thật tốt giá sữa, kể cả chính sữa lành sách dành cho các trẻ em nghèo, học sinh vùng xâu, vùng xa thì sẽ tạo ra thị trường mạnh và hợp lý.

“Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, nhiều người hay dùng từ "rối loạn" hay "méo mó" của thị trường sữa đẩy giá sữa lên như hiện nay là do chúng ta quản lý kém. Việc nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm sữa đều không có kiểm soát, không có một chính sách quản lý chặt chẽ, chính vì vậy những người kinh doanh sữa tùy tiện nâng giá, điều tiết cung cầu” – ông Nghĩa nói

Còn đại biểu Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) thì thực tế và kể cả trong dự thảo luật giá vẫn còn rất chung chung, chưa rõ, chưa đủ căn cứ để xem xét, đánh giá trong thực hiện, nhất là những bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực giá cả thị trường như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, v.v... Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là của một số bộ, ngành quan trọng.

“Cần nêu cụ thể, khi để sự việc xảy ra thì trách nhiệm đó thuộc về bộ, ngành nào, cá nhân nào. Tránh tình trạng như vừa qua khi giá sữa trên thị trường liên tục tăng đột biến rất vô lý nhưng người dân không biết kêu ai và không có ai chịu trách nhiệm trước dân” – đại biểu Đào Văn Bình nói./.