Theo Tổ điều hành thị trường, trong nước, tiếp theo đợt tăng giá sữa vào tháng 2, trong tháng này một số hãng sữa bột nhập khẩu trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá như Công ty Friesland, Mead Johnson Nutrition Việt Nam, hãng sữa Dumex, tháng 2 có Công ty cổ phần sữa Việt Nam; tháng 3 có công ty Friesland Campina Việt Nam, hãng sữa Abbott và sữa Nutrifood. “Nguyên nhân tăng giá là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã, bao bì và chi phí đầu vào tăng” – Tổ điều hành khẳng định.

Cũng theo tổ điều hành, hiện nay, nhiều sản phẩm sữa sau khi hết thời hạn đăng ký theo qui định đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng như Anfalac A+  cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi), sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pediasure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi), thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi) gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Để kiểm soát tình hình tăng giá sữa và sản phẩm dinh dưỡng của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có công văn số 3810/BTC-QLG gửi Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) và Công văn số 3181 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá sữa trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Triển khai nhiệm vụ mà Bộ Tài chính giao, tại Hà Nội, Sở Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra giá sữa tại 3 đơn vị đăng ký giá sữa với Sở, gồm: Công ty Metro Cash & Carry, Cty TNHH quốc tế Thiên An, Cty CP Ba Son. “Các đơn vị này đã gửi hồ sơ  đăng ký và chúng tôi đã đi kiểm tra thì họ thực hiện theo đúng giá đã đăng ký” – đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho VOV online biết.

Cũng theo vị đại diện này, việc các công ty sữa họ lách chuyển từ sữa sang thực phẩm chức năng thì Luật phải có qui định cụ thế, chứ bây giờ cơ quan Sở Tài chính không biết phải làm thế nào.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thì, “Theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung trong đó có sữa đậu nành, sữa chua,.., do đó để bình ổn giá các mặt hàng này thì Bộ Y tế cần phải chuẩn hoá tên mặt hàng - điều này là rất quan trọng, từ đó đưa vào kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không”.

Về những khó khăn có thể gặp phải khi đổi tên các loại sữa bột đối với vấn đề quản lý giá, ông Tuấn nêu rõ kiến nghị của Cục Quản lý giá, cụ thể: Cục Quản lý giá đã kiến nghị Bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 3 vấn đề về thương phẩm, chất lượng và giá cả mặt hàng, không thể chỉ kỳ vọng vào giá.

Bên cạnh đó, về việc cung cấp thông tin về giá các loại nguyên liệu sữa bột và sữa hộp, thực phẩm bổ sung doanh nghiệp tăng giá trong thời gian qua; một số hình thức lách luật của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng sữa nhập khẩu, ông Tuấn cho biết: Qua theo dõi từ ngày 1/1/2013 đến nay một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khi tăng giá bán đã thực hiện gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), cụ thể: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) gửi kê khai giá 15 mặt hàng (trong đó có 12 mặt hàng mới), 3 mặt hàng tăng giá với mức tăng 15-16% áp dụng mức giá áp dụng từ 2/1; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrison (Việt Nam) tăng 3 mặt hàng, mức tăng 9-10%, mức giá áp dụng từ 5/1; Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3 A Việt Nam gửi thông báo giá 39 mặt hàng, có 31 mặt hàng tăng giá, mức tăng khoảng từ 2- 9,5 %, mức giá áp dụng từ 1/2/2013; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam gửi kê khai giá 40 mặt hàng, mức tăng khoảng 9 %, mức giá áp dụng từ 15/2/2013.

Theo thông báo giá của các Công ty này gửi đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) thì không sản phẩm nào ghi là sữa và theo thông báo của các doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chính của việc điều chỉnh tăng giá bán của các sản phẩm trên là do thời gian qua giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền lương điều chỉnh tăng nên doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán.

Cần tiêu chuẩn, qui chuẩn rõ ràng

Trước diễn biến này Bộ Tài chính đã có công văn 3181 và 3180 gửi Bộ Y tế và Sở Tài chính các địa phương.

Tại văn bản số 3181, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá sữa trên địa bàn tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết giá; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Bộ Tài chính cũng cho hay: Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính đã được doanh nghiệp điều chỉnh tên gọi và đăng ký với tên gọi mới (như: thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...). Vì vậy, đề nghị Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở thực tế quản lý tại địa phương đề xuất, kiến nghị các biện pháp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý.

Trong Công văn 3180 gửi Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, Bộ Tài chính cũng khẳng định tình trạng một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa đã đổi tên sản phẩm sữa thành tên gọi khác như: sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... và tăng giá gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành giá.

Vì vậy,theo Bộ Tài chính, để có chính sách quản lý phù hợp trong thời gian tới đối với các sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức... Bộ Y tế cần cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa trong năm 2011, 2012 và từ đầu năm 2013 đến nay để làm cơ sở theo dõi và đối chiếu trong công tác quản lý giá.

Về lý do các công ty sữa đưa ra để tăng giá bán trong nước là do giá thế giới tăng,Tổ điều hành thị trường cho biết: Giá sữa tại các thị trường trong tháng 3 có nhiều diễn biến trái chiều. Trong khi giá sữa ở thị trường châu Úc tiếp tục xu hướng tăng từ tháng trước thì giá sữa ở thị trường Tây Âu giảm nhẹ. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc hiện ở mức 3.400-4.200 USD/tấn (tăng từ 4,62-10,35% so với tháng trước). Tại thị trường Tây Âu ổn định ở mức 3.375-3.700 USD/tấn (giảm nhẹ từ 1,33-1,46% so với tháng trước). Giá sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc hiện ở mức 3.350 – 4.400 USD/tấn (tăng từ 5-18% so với tháng trước), tại thị trường Tây Âu, hiện ở mức 3.800-4.300 USD/tấn (tăng giảm ở mức 2% so với tháng trước).

Theo chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), chỉ số sữa tháng 2 năm 2013 là 203 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước./.