Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước với 1,8 triệu con. Trong những ngày qua, giá heo tiếp tục xuống thấp, chỉ còn khoảng 26.000 đồng kg/heo hơi, thấp nhất trong 10 năm nay.

Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người chăn nuôi có nguy cơ phá sản. Thế nhưng trớ trêu là tuy giá heo xuống thấp, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với mức giá cao. Đây là nghịch lý lớn trong khâu phân phối, tiêu thụ hiện nay.

img_3672_vwcd.jpg
Giá heo hơi thời điểm hiện tại đã xuống mức 26.000 đồng/kg heo. (Ảnh minh họa: KT)
Chị Nguyễn Thị Hương chủ trại heo ở xã Đồng Hòa, huyện Trảng Bom mới xuất chuồng gần 600 con heo, với giá chỉ 26.000 đồng/kg heo hơi. Với giá này, chị bị lỗ gần 900 triệu đồng. Hiện trong chuồng vẫn còn khoảng 1.000 con heo thịt, nên chị rất lo.                                  

“Hiện nay, giá heo đã xuống rất thấp khiến người chăn nuôi điêu đứng. Tình trạng này kéo dài vài tháng nữa, người chăn nuôi sẽ phá sản. Nhà nước và Chính phủ có hợp đồng ký kết xuất khẩu chính thức với nước ngoài, không xuất heo qua đường tiểu ngạch, thị trường bấp bênh, giá cả phập phù làm người chăn nuôi phá sản”, chị Hương cho biết.

Không chỉ chị Hương mà hàng ngàn hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai đang điêu đứng vì giá heo xuống thấp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có nhiều người chăn nuôi lỗ trắng tay. Khi đó, nghề chăn nuôi heo sẽ bị các công ty liên doanh nước ngoài chiếm lĩnh với hình thức nuôi gia công - bài học đã từng thấy rất rõ từ con gà.

Điều đáng nói là, mặc dù giá heo đã xuống thấp ở mức kỷ lục, nhưng giá bán thịt heo tại các chợ ở Đồng Nai và TP HCM không giảm hoặc giảm không đáng kể, chỉ giảm vài ba nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tiến, người chăn nuôi heo ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Heo hơi giảm 17.00 – 18.000 đồng/kg so với cách đây 4 tháng. Còn giá thịt heo giảm chỉ có 3.000 – 4.000 đồng kg do khâu trung gian, thương lái “ăn” chênh lệch quá nhiều, Bộ Công thương cần có biện pháp can thiệp kịp thời cho người chăn nuôi bớt khổ”, anh Tiến cho biết./.