Nội dung trên được nêu trong chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sau khi họp bàn về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện 2016 - 2020.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, thay thế Quyết định 69/2013 thì thời gian điều chỉnh tối thiểu sẽ giảm xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng được thực hiện từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, sau cuộc họp bàn với các bộ, ngành liên quan về cơ chế điều chỉnh giá bán điện, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu giữ nguyên thời gian điều chỉnh này là 6 tháng.

evn_5074_1490426056_gcan.jpg
Giá bán lẻ điện bình quân có thể vẫn được điều chỉnh 6 tháng/lần.
Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn đang được duy trì ở mức 1.622,01 đồng/kWh từ tháng 3/2015.

Ngoài ra, Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thiện dự thảo quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo hướng bổ sung chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng trong trường hợp ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình điều chỉnh giá điện. 

Đối với khung giá bán lẻ điện bình quân, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát và hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định của Thủ tướng. 

Bản dự thảo phải đưa ra toàn bộ căn cứ, cơ sở của các thông số liên quan đến quy định tối thiểu, giá tối đa của mức giá bán lẻ điện bình quân. Đồng thời, bản dự thảo cũng phải nêu rõ kế hoạch về sản lượng điện, cơ cấu nguồn, các yếu tố đầu vào khác của giá điện như giá khí, than, chênh lệch tỷ giá, giá dầu, tổn thất điện năng, tỷ suất lợi nhuận của EVN trên vốn chủ sở hữu tính toán ở mức 3%. 

Bộ Công Thương được giao hoàn chỉnh hai bản dự thảo quyết định này, trình Thủ tướng trong tháng 4/2017./.