Lạm phát ở khu vực đồng euro trong tháng 5 ước cũng đạt 8,1% tính theo năm và đây là mức cao nhất kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng, lạm phát có thể đang chạm đỉnh và tình hình sẽ đảo chiều trong thời gian tới.

Giá dầu tăng, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá và những bữa ăn của người dân tại Pakistan cũng đang trở nên “xa xỉ” hơn: “Sau khi xăng dầu tăng giá, giá của mọi thứ cũng tăng lên. Giá gas cho đun nấu cũng vậy. Mọi người có nên ngừng nấu ăn không? Việc tốn quá nhiều tiền vào xăng dầu đang vượt ngoài tầm kiểm soát của những người dân bình thường".

Đó chỉ là một ví dụ cho câu chuyện giá dầu tăng cao, kéo theo lạm phát kỷ lục đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát ở khu vực đồng euro trong tháng 5 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây sẽ là mức cao nhất kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu. Mức lạm phát cao nhất châu Âu được ghi nhận ở các nước Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia.

Lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 vừa qua cũng lên tới 73,5%, mức cao nhất trong 24 năm qua, kể từ năm 1998. Trong khi mức lạm phát tại Chile đạt mức kỷ lục mới trong 28 năm; còn Hàn Quốc đang ở mức cao nhất trong 14 năm…

Ngân hàng các nước như Ấn Độ, Australia cũng đã phải tăng lãi suất nhiều lần để kiềm chế lạm phát… Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cũng đã phải tính đến việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ.

“Để giảm bớt áp lực lạm phát mà không làm suy giảm sức mạnh của thị trường lao động, cần có một quan điểm ngân sách phù hợp để bổ sung cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang” - bà Janet Yellen nhấn mạnh.

Thế giới đang cố gắng kiểm soát lạm phát và theo nhận định của nhiều chuyên gia được hãng tin Bloomberg đăng tải, kinh tế toàn cầu đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tình trạng lạm phát đang đạt đỉnh và có thể bắt đầu đảo chiều trong thời gian tới. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian trước khi giá cả các mặt hàng hóa giảm xuống. 

Dù vậy, theo nhận định mới nhất được đưa ra ngày hôm qua của Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei, giá dầu vẫn có thể tăng cao hơn nữa trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng để phục hồi kinh tế sau đại dịch tăng, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Thêm vào đó, các nỗ lực tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, chưa thể mang lại kết quả nhanh chóng. Theo ông Al Mazrouei, các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác của OPEC+ đang thiếu hụt 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Điều này đẩy giá dầu Brent Biển Bắc và dầu ngọt nhẹ WTI tăng hơn 70% kể từ năm ngoái./.