Tại Diễn đàn Năng lượng Quốc tế lần thứ 15 diễn ra tại Algiers từ ngày 26-28/9, các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã chính thức đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên trong 8 năm. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ thị trường dầu mỏ, qua đó đẩy giá dầu tương lai tăng 6% sau khi thông tin trên được công bố.

opec_meeting_yoza.jpg
 OPEC đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế sản lượng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, tại thị trường New York, giá dầu Brent tăng 2,72 USD (5,9%) lên 48,69 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn hai tuần qua.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 2,38 USD (5,3%) lên 47,05 USD/thùng. Trong phiên này, đã có thời điểm giá dầu thô Mỹ vọt lên 47,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/9.

OPEC đã đạt được thỏa thuận hạn chế sản lượng ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng hiện nay của OPEC ước tính khoảng 33,24 triệu thùng/ngày.

Chi tiết mức giảm sản lượng áp dụng cho từng quốc gia sẽ được công bố cụ thể trước buổi họp tiếp theo của nhóm cũng về vấn đề này vào cuối tháng 11/2016.

Bộ trưởng Năng lượng của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UEA) Suhail Mohamed al-Mazrouei tại Diễn đàn Năng lượng Quốc tế ở Algeria (Ảnh: AP)
OPEC, hiện chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng dầu của thế giới, và các nhà sản xuất khổng lồ khác đã và đang chật vật trong việc ứng phó với tình trạng lao dốc của giá dầu. Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ được coi là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, từ mức đỉnh điểm 115 USD/thùng hồi tháng 6/2015 xuống dưới 30 USD/thùng đầu năm nay, trước khi phục hồi lên khoảng 45 USD/thùng hiện nay.
Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, đã phản ứng trước thực trạng suy giảm nguồn thu từ dầu mỏ do giá dầu sa sút bằng cách tăng sản lượng lên các mức kỷ lục, thay vì sử dụng công cụ truyền thống là cắt giảm sản lượng.

Thỏa thuận giảm sản lượng được đánh giá sẽ có lợi cho các bên hiện đang tham gia trên thị trường năng lượng thế giới, từ các tập đoàn năng lượng lớn như Exxon Mobil cho đến các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ hay các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ như Nga, Saudi Arabia./.