Để có câu trả lời “mạnh miệng” trên, người trồng dưa nơi đây đã phải đi qua những mùa dưa buồn: rớt giá, thu không đủ bù chi, nợ tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Những đống dưa chất ven đường im vắng vì thương lái quay lưng, người qua đường cũng quay mặt vì muốn ăn chỉ cần ra chợ, chừng hai ngàn đồng là có ngay trái dưa nặng tay, ăn… mệt nghỉ.
Nhưng nông dân có bao giờ thôi hy vọng vào đất? Mùa nắng về, họ lại đánh luống trồng dưa. Vẫn là giống dưa Hắc Mỹ Nhân, An Tiêm quen thuộc. Nhiều hộ không có tiền thuê mướn nhân công, phải “tổng động viên” con cháu ra ruộng chăm sóc dưa. Tránh cái nắng như lửa, ban đêm họ đội đèn pin lọ mọ khắp ruộng dưa để bón phân, cắm que, bấm ngọn, tỉa trái.

dau_hau_dvil_xzvi.jpg
Thương lái về thu mua dưa hấu Phổ Châu.
Họ “ba cùng” với dưa: Ăn cùng, ngủ cùng, thức cùng. Mùa dưa chín, chưa kịp mừng đã đối mặt với thị trường dưa ế ẩm. Nhiều tấn dưa phủ bạt lặng lẽ bên vệ đường. Cạnh đống dưa “sầu” là những nông dân trẻ vẻ buồn buồn, uống rượu gạo, gõ bát hát “mùa dưa lần này bầm trầy hơn mùa dưa lần trước…”.
Đó là tình cảnh của những vụ dưa trước Tết Đinh Dậu. Người trồng dưa ở đây thừa nhận nguyên nhân: giống không tốt, vỏ dưa dày, hay nứt nẻ, ruột dưa nhợt nhạt, vị lạt lẽo.

Nhưng vụ dưa hấu rằm tháng 4 này thì không như thế. Từ cánh đồng dưa, niềm vui râm ran khắp đường làng, ngõ quê, ngược lên đường cái quan, nơi thương lái cùng những chiếc xe tải chờ “ăn” dưa đậu sẵn. Bên đống dưa trên 3 tấn của mình, ông Lê Tý, 47 tuổi, nói bà con nông dân Phổ Châu cũng… khoa học lắm. Họ đi các nơi tìm tòi, hỏi han, so sánh, phân tích đặc điểm “đồng ta đồng người”, hình dáng và chất lượng “dưa người dưa ta” rồi mua hạt giống về trồng. Đây là vụ dưa hấu đầu tiên trồng từ giống dưa có nguồn gốc Ấn Độ, được lai tạo dưới cái tên rất Việt Nam là “Phù Đổng”.

Giống dưa này thích hợp với những cánh đồng sát biển, nơi chất mặn lắng xuống và ngấm đều ở những chân ruộng thấp. Đặc biệt, chất “mặn” của biển làm cho dưa Phổ Châu ngọt “hết mình”. Đã thế, ruột dưa Phổ Châu khá bắt mắt vì có màu đỏ như son. Dưa từ ruộng được gánh lên đường lớn, chất lên xe tải đi các tỉnh phía bắc, nhiều nhất là Hà Nội. Mỗi ký dưa hiện có giá 8.000 đồng. Tính ra, chỉ với 1 sào ruộng (500 m2) và 53 ngày chăm sóc, bình quân người trồng dưa có thu nhập 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Niềm vui được mùa dưa.
Chủ ruộng dưa phấn khởi, người gánh dưa cũng vui lây. Một phụ nữ trẻ trong nhóm gánh dưa thuê cười rất tươi: “Ai có ruộng thì hái dưa, bọn em không có ruộng thì gánh dưa. Gánh từ 5 - 7 giờ sáng, mỗi người kiếm được 80.000 đồng”. Một chị khác đùa rất có duyên: “Ai sao hổng biết chớ riêng em thì nhiêu đó dư sức rủ chồng con đi ăn sáng, uống cà phê, ghé chợ quê mua con cá lóc”.
Anh Lê Quân, 40 tuổi, được bà con “làng dưa” cho là “quán quân” vì chỉ với 3 sào dưa, anh thu nhập 40 triệu đồng. “Một hai bữa nữa, tui và bà con sẽ xuống giống tiếp vụ dưa tháng 6 để kịp đón đầu thị trường dưa rằm tháng 7”, anh Quân nói. Còn ông Trịnh Tiến, 61 tuổi, người “về nhì” sau anh Quân nói một cách dí dỏm: “Hiểu đất, hiểu giống dưa thì… trời mưa không ngán. Dưa ngọt dưa ngon, bán không còn một trái”.
Cánh đồng Phổ Châu rất lạ. Ruộng cao thì lúa tốt, ruộng thấp thì dưa tươi. Riêng dưa không chỉ to, dài, nặng ký, xanh vỏ đỏ lòng mà còn ngọt ngào thanh mát. Bởi vậy nên nông dân Phổ Châu ai cũng tự hào nói dưa ở đâu cần giải cứu chớ dưa ở đây sợ không có mà bán!./.