Đã chuẩn bị được khoảng 200.000 tỷ đồng cung ứng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, tăng hơn 10% so với dịp tết Giáp Ngọ. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải khi trả lời phóng viên Báo Điện tử VOV.VN - Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đảm bảo hàng Tết Nguyên đán Ất Mùi của ngành công thương tính đến thời điểm hiện nay?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Đảm bảo hàng hóa Tết là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành công thương nên được ngành Công thương hết sức chú trọng. Ngay từ đầu tháng 12/2014, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác làm việc tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng và một số địa phương khác...
Nhìn chung, các tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết. Hiện nay, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố, địa phương trên toàn quốc, kể cả đến các hộ kinh doanh, các tổng công ty, doanh nghiệp cũng đều đã chuẩn bị được lượng hàng hóa cỡ khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với dịp tết Giáp Ngọ.
Cụ thể, đoàn kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương và đặc biệt là các Sở, ngành công thương các địa phương cũng đã có kế hoach thường xuyên kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình và để đảm bảo kiểm tra, kiểm soát được tình hình của thị trường. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên tục nắm bắt được tình hình thực tế để có thể kiến nghị các cấp có thẩm quyền nhằm có những quyết sách kịp thời.
PV: Cùng với đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung, ổn định giá cả hàng hóa trong dịp Tết cũng hết sức quan trọng. Vậy Bộ Công Thương quan tâm đến vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Xác định giá cả hàng hóa hết sức quan trọng nên Chính phủ cũng đã có cả một Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương là một thành viên.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo gần đây nhất, công tác kiểm soát giá cả đặc biệt trong dịp Tết đã rất được chú trọng. Ban Chỉ đạo đã, đang chỉ đạo các Sở Công Thương, đặc biệt là mảng thị trường trong nước để mở các hội chợ hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn và đưa hàng Việt đến tận từng các Khu chế xuất, Khu công nghiệp để phục vụ tại chỗ cho người lao động trong dịp Tết.
Đối với thị trường nói chung, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo phải kiểm tra gắt gao và sát sao với giá cả của tất cả các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết.
PV: Buôn lậu và gian lận thương mại luôn là vấn đề nóng đặc biệt trong dịp Tết. Bộ Công Thương đã có giải pháp trọng tâm nào để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Nhìn lại năm 2014, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có bước khởi sắc nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện sát sao của tất cả các cấp, từ Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Trung ương đến các Bộ, ngành và đặc biệt là các cấp địa phương.
Theo quan điểm của tôi, vai trò của địa phương mang tính quyết định việc chống buôn lậu có thành công hay không. Nhất là trong dịp Tết, công tác này càng cần phải chú trọng hơn.
Từ nhiều tháng nay, Bộ Công Thương cũng đã phát động đợt cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - đặc biệt là những hàng hóa liên quan đến phục vụ nhu cầu Tết. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những mặt hàng hiện nay đã cấm nhập khẩu như pháo, thuốc nổ và những sản phẩm độc hại, có hại cho trẻ em. Qua theo dõi nhiều năm nay, hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại thường phát triển mạnh, tinh vi và phức tạp nhất là vào dịp Tết.
Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành công thương đang phối hợp hết sức chặt chẽ với các Sở Công Thương địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng, ban ngành như hải quan, đồn biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng công an trên khắp các tỉnh thành để quyết liệt triển khai nhiệm vụ này.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!./.