Trong khi đó, mới có khoảng 1% sản lượng vải sớm được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, song đây được đánh giá là kênh xúc tiến, quảng bá quan trọng, tiếp sức cho quả vải đang vào chính vụ - với khoảng 180.000 tấn, dự kiến cũng sẽ được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước với tỷ lệ khoảng 70%.

Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này.

PV: Thưa bà, tỉnh Bắc Giang cho biết là đã có 3 kịch bản tiêu thụ sản phẩm vải thiều, trong bối cảnh dịch bệnh thì tăng lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước từ 60 - 90%. Bộ Công thương triển khai cụ thể như thế nào với các kế hoạch này để hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước?

Bà Lê Việt Nga: Bộ Công Thương đã đồng hành cùng các tỉnh có sản lượng vải thiều lớn nhiều năm qua và đã trở thành hoạt động thường niên để hỗ trợ cho các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh - là những địa bàn có nhiều trái vải thiều được trồng tập trung và có sản lượng rất lớn, tính mùa vụ lại rất rất ngắn và thu hoạch thường tập trung, tiêu thụ chỉ trong vòng khoảng 4 tuần thôi.

Chúng tôi cũng đã có những chiến lược trước đây rất phù hợp trong việc vận chuyển hàng hóa, tổ chức hệ thống thu mua cả xuất khẩu cũng như thị trường trong nước để đảm bảo thu mua với giá thành tốt nhất, có lợi cho bà con nông dân luôn luôn được lãi. Bên cạnh đó có những hoạt động dịch vụ phụ trợ để có thể thu thêm được lợi nhuận đóng góp vào phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế nông nghiệp.

Nhưng năm nay có một đặc điểm là dịch bệnh Covid-19 với những biến chủng mới rất phức tạp và gây ra dịch bệnh trên một số tỉnh thành phố đặc biệt là những địa bàn có thị trường tiêu thụ vải lớn như Hà Nội và TP.HCM. Điều này đã đặt ra những vấn đề thách thức rất lớn.

Hiện nay chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với UBND TP.HCM và làm việc với Sở Công thương để qua đó xác định được các kịch bản phù hợp.

Qua báo cáo của tỉnh Bắc Giang cũng như Sở Công thương tỉnh này thì đang kích hoạt ở kịch bản thứ hai, tức là kịch bản dịch bệnh diễn biến ở mức độ kiểm soát được - với mức tiêu thụ nội địa khoảng 70% và xuất khẩu khoảng 30%.

Qua báo cáo của tỉnh những ngày vừa qua chúng ta đang tiêu thụ ở mức 36% là xuất khẩu và 63% tại thị trường trong nước và 1% là qua thương mại điện tử và một số kênh khác.

PV: Thị trường miền Nam đang được coi là thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm vải thiều chính vụ này. Tuy nhiên trước bối cảnh dịch bệnh, lo ngại việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất ưu tiên các luồng xanh cho trái vải. Vậy Bộ Công Thương đã có chiến dịch cụ thể như thế nào để hỗ trợ trợ cho thị trường trong nước, thưa bà?

Bà Lê Việt Nga: Trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương soạn thảo quy trình thu mua, lưu thông các mặt hàng nông sản. Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 1083/CV-BCT. Theo đó có những căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về việc người vận chuyển, bốc xếp hàng hóa phải tuân thủ các yêu cầu của Bộ Y tế.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nếu các địa phương đồng lòng hỗ trợ cho việc vận chuyển lưu thông hàng hóa và có những cách làm, vận dụng sáng tạo để đảm bảo có luồng xanh cho hàng hóa nông sản đi thì chúng tôi nghĩ sẽ rất thuận lợi. Đồng thời, cũng cần có những nghiên cứu thêm để thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo lưu thông hàng hóa, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất…

Bộ Công Thương chắc chắn sẽ có những cuộc họp và làm việc với các Bộ, ban ngành để cải tiến hơn nữa các quy trình lưu thông hàng hóa, nông sản được trồng tập trung và tính mùa vụ cao quả vải, việc bảo quản rất là khó, để tươi trong vòng vài ngày thì đều phải có những hình thức tốt nhất. Và đặc biệt, với chiến dịch mới của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động tấn công bằng sử dụng vaccine phòng Covid-19 tiêm cho các lực lượng như: Thương lái hay lái xe vận tải, vận chuyển quả vải, chúng tôi nghĩ rằng cũng cần phải có những thay đổi tương thích hơn, thuận lợi hơn cho việc lưu thông hàng hóa đi qua các chốt kiểm dịch.

Với những đối tượng đã được tiêm vaccine đầy đủ và đã được kiểm tra, test một cách kỹ càng thì có những phương thức để quản lý người lao động một cách linh hoạt hơn, bảo đảm hàng hóa đi được nhanh, vận chuyển tốt nhất trong mùa dịch.

PV: Đã có rất nhiều văn bản, chỉ đạo từ Chính phủ đến các Bộ, ngành. Tuy nhiên cũng vẫn còn khá nhiều các khó khăn. Và cụ thể qua thực tế của thời gian trước, đây là mùa thứ hai mà chúng ta đã phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 - bà có những khuyến nghị như thế nào để có thể hỗ trợ một cách tốt nhất trong tiêu thụ sản phẩm quả vải cũng như các sản phẩm nông sản của chúng ta đang rất nhiều sản phẩm đang vào mùa vụ thu hoạch?

Bà Lê Việt Nga: Theo tôi, biện pháp đầu tiên là phải bảo vệ được thị trường trong nước, bảo vệ được những hệ thống phân phối hiện nay đang là kênh tiêu thụ chính của quả vải như các chợ đầu mối. TP.HCM hiện nay đang căng mình để bảo vệ các chợ đầu mối không bị Covid-19 xâm nhập và đóng cửa.

Các chợ đầu mối lớn của quả vải như: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền hiện nay đang được các lực lượng của các ngành bảo vệ tốt nhất, yêu cầu các tiểu thương trong chợ áp dụng quy định về phòng, chống dịch tốt nhất, thực hiện 5K và theo hướng dẫn tại Quyết định số 2225 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở thương mại.

Thứ hai, tổ chức tốt tất cả các mạng lưới hệ thống phân phối vào cuộc để ủng hộ bán được quả vải này nhiều hơn như Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Sở Công Thương và các hệ thống phân phối làm sao đẩy được mức tiêu thụ quả vải tăng gấp đôi so với mức cao nhất của những năm trước đây.

Tiếp theo nữa là chúng tôi cũng đề nghị để tạo thuận lợi hơn nữa đối với việc vận chuyển lưu thông logistics mặt hàng quả vải vì có thời gian bảo quản tươi rất là khó. Tất cả phải thống nhất cùng với các tỉnh có vải để ra được một luồng bảo đảm phòng, chống dịch tốt nhưng cũng phải đi được nhanh nhất đến các địa điểm, các địa bàn mục tiêu như TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang rất thích quả vải thiều này...

PV: Xin cảm ơn bà./.