Nếu tuần trước, tỷ giá trên thị trường có mức biến động 20 - 40 đồng/USD thì tuần này mức biến động chỉ vào khoảng 5 - 10 đồng/USD.

Sự điều chỉnh nhẹ trên thị trường cũng khiến tỷ giá những ngày qua biến động nhẹ, áp sát giá trần đô la Mỹ ở mức 22.475 VND/USD. Liệu những cơn sóng nhỏ tỷ giá có báo hiệu sóng lớn tỷ giá sắp hình thành trong thời gian tới?

Liên tục biến động

Sáng 26/11, tỷ giá tại các ngân hàng hầu như không có sự thay đổi lớn so với ngày 25/11. Theo đó, tỷ giá vẫn dao động ở mức 22.450 - 22.520 đồng/USD (mua vào - bán ra). Tuy nhiên, theo dõi thị trường trong những ngày qua không khó nhận thấy sự hình thành của những cơn sóng nhỏ, lăn tăn, lướt nhẹ trên thị trường. Sự điều chỉnh nhẹ ở mức 20 - 40 đồng cũng khiến tỷ giá những ngày qua biến động nhẹ, dao động ở mức 22.450 - 22530 VND/USD (mua vào - bán ra).

Ngày đầu tuần, tỷ giá giữa tiền đồng và USD bắt đầu tăng lên mức 22.510 đồng/USD và hiện được một số ngân hàng niêm yết sát mức trần. Điều này, được cho là do yếu tố tâm lý trước những diễn biến trên thị trường thế giới.

Theo khảo sát của phóng viên, nếu đầu tuần Vietinbank niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 22.430 - 22.510 đồng/USD mua vào - bán ra) thì đến sáng ngày hôm qua, tỷ giá thay đổi niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 22.435 - 22.515 đồng/USD (mua vào - bán ra). Cùng vào thời điểm này, tại ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá VND/USDD ở mức 22.430 - 22510 đồng/USD mua vào - bán ra) thì đến sáng hôm qua, tỷ giá thay đổi niêm yết tỷ giá ở mức 22.450 - 22.520 đồng/USD (mua vào - bán ra). Như vậy, mức biến động tỷ giá chỉ vào khoảng 5 - 10 đồng/USD.

Trên thị trường tự do tại Hà Nội, sáng 26/11 đồng USD được giao dịch ở mức 22.600 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra là 22.640 đồng/USD.

Sóng to còn phụ thuộc vào…

Nhận định về diễn biến tỷ giá thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, mức độ biến động tỷ giá những ngày qua là nhỏ như những làn sóng lăn tăn nhưng có thể là dấu hiệu của một đợt sóng mới. Từ nay đến cuối năm, áp lực lên tỷ giá ngày càng lớn.

Ông Hiếu phân tích, trước hết thị trường ngoại hối hiện đang cân bằng, cung cầu cũng không biến đổi nhiều. Tuy nhiên những đồn đoán về việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất; đồng nhân dân tệ mất giá chính là những yếu tố đang làm nóng dần thị trường những ngày qua. “Thành ra, những đợt sóng lăn tăn là sự điều chỉnh của thị trường thế nhưng trong đó có tâm lý về đầu cơ…” - ông Nguyễn Chí Hiếu nói.

Thêm nữa, dù cung cầu trên thị trường có ổn định nhưng từ nay cuối năm, những vấn đề nhập siêu, Chính phủ trả nợ công, các doanh nghiệp trả nợ nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa cho dịp áp Tết sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thời gian qua việc NHNN quản lý chặt thị trường ngoại hối sẽ làm tiền đề tốt để xử lý những cơn sóng tỷ giá có thể biến động trong thời gian tới.

NHNN đã thực hiện một số biện pháp mạnh để ổn định thị trường, đầu tiên giảm lãi suất USD xuống 0% cho tiền gửi doanh nghiệp và 0,25% với của tiền gửi cá nhân. Ngay sau đó, NHNN có thông tư để chống găm giữ ngoại tệ. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán quốc tế thì mua ngoại tệ giao ngay trong thời hạn 2 ngày, trước thời hạn thanh toán đến. Thế còn, hạn thanh toán từ 3 ngày trở lên phải có hợp đồng mua ngoại tệ trả sau kỳ hạn với các ngân hàng. Chứng tỏ, NHNN đã dùng những biện pháp mạnh tay để khống chế những cơn sóng tỷ giá nhỏ. Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, sóng lớn tỷ giá có thể phát khi có những chấn động tài chính trên thị trường toàn cầu. Theo đó, vấn đề lãi suất của Mỹ, phá giá đồng nhân dân tệ, việc các nước khác cũng đang phá giá đồng nội tệ… sẽ là những tác nhân ảnh hưởng mạnh tới tỷ giá trong nước./.