Tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại
Theo HSBC, bức tranh PMI được phủ phần lớn bởi màu xám cho thấy môi trường dữ dội mà các nhà sản xuất Việt Nam đang đối mặt (biểu đồ 1). Trong tháng 9, chỉ số PMI toàn phần của Nikkei giảm mạnh còn 49,5 điểm từ mức 51,3 điểm của tháng 8. Chỉ số đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2013 và mở ra triển vọng không mấy sáng sủa của ngành sản xuất trong những tháng tới.
HSBC còn đánh giá: các nhà xuất khẩu Việt Nam đã hoạt động xuất sắc hơn các đồng nghiệp láng giềng do tính cạnh tranh ngày càng gia tăng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động. Nhưng thậm chí ngôi sao về xuất khẩu của châu Á cũng không thoát khỏi tác động của những luồng gió chướng từ bên ngoài: trong khi chỉ số PMI tháng 9 không tốt ở hầu như mọi lĩnh vực, điều làm HSBC quan ngại nhất là việc các đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm sâu phản ánh một sự thật tương tự đang diễn ra trong vùng.
Điều này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vốn phục hồi lại ở mức 10,5% vào QIII/2015 từ mức 9,3% của QII/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ chậm lại về cuối năm. Sự giảm sút của chỉ số phụ công ăn việc làm, mặc dù còn nhẹ, và việc suy giảm số lượng hàng mua sâu hơn nữa cũng phản ánh cái nhìn cẩn trọng của các nhà sản xuất.
Kiểm soát thâm hụt thương mại
Một lý do khác để HSBC cho rằng bước tiếp theo của NHNN có thể tăng lãi suất chính sách chứ không giảm, là thâm hụt thương mại. Xuất khẩu giảm cùng với nhu cầu nội địa phục hồi có nghĩa rằng cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào thâm hụt. Mặc dù chưa tới mức báo động, điều đáng lo là thâm hụt được thúc đẩy bởi thâm hụt gia tăng trong khu vực các công ty trong nước.
Đối lập với các công ty nước ngoài với phần nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất rồi tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Trong quá khứ, thâm hụt thương mại của các công ty trong nước – đặc biệt là các công ty nhà nước – đã gia tăng cùng với tiêu thụ và đầu tư thông qua vay mượn, gây áp lực cho tiền đồng và tạo ra thách thức cho nền kinh tế.
Ở thời điểm hiện tại, HSBC nghĩ: “các rủi ro vĩ mô của Việt Nam còn ít do việc quản lý chính sách tiền tệ cẩn trọng của NHNN. Tuy nhiên, HSBC sẽ theo dõi sát thâm hụt thương mại để xem liệu kinh tế trong nước có bị rủi ro phát triển quá nóng không”.
Áp lực giá cả vẫn còn u ám
HSBC bình luận rằng “may mắn là tăng trưởng gia tăng trong năm 2015 không đi cùng với áp lực về giá. Phân tích cụ thể, HSBC cho hay: Trên thực tế, lạm phát toàn phần giảm xuống 0,0% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 0,6% của tháng 8. Vận chuyển giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái (do giá năng lượng giảm) đã làm tăng trưởng CPI toàn phần mất đi 1,1 điểm phần trăm.
Nhưng lạm phát cơ bản cũng suy giảm còn 1,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm, từ mức 2,4% trước đó. Giá lương thực tiếp tục giảm 0,3 điểm phần trăm còn 0,7% so với cùng kỳ năm.
Sự cân bằng sẽ tiếp diễn tới bao giờ? HSBC trả lời: Với giá dầu dự kiến tiếp tục giảm và viễn cảnh giảm giá của tiền đồng được kiềm chế, áp lực giá trong ngắn hạn khá ít đủ để cho phép NHNN giữ lãi suất thị trường mở OMO ổn định ở 5%. Tuy nhiên NHNN cũng muốn duy trì sự thận trọng: với tăng trưởng mạnh có thể tiếp diễn ở những quý sau, HSBC thấy lạm phát sẽ ra khỏi đáy ở quý IV/2015 và phục hồi ở mức 3,3% so cùng kỳ năm vào cuối của nửa đầu năm 2016, một phần do hiệu ứng giá thuận lợi. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 5,2% so cùng kỳ năm vào cuối năm 2016.
Về tỷ giá VND/USD, HSBC dự báo giá USD có thể tăng lên 22.800 đồng/USD trong quý IV/2015. Và tỷ giá tiếp tục tăng trong các quý của năm 2016, cụ thể: Quý I là 23.000 đồng/USD, quý II là 23.000 đồng/USD, quý III là 23.300 đồng/USD, quý IV là 23.300 đồng/USD./.