Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực thúc đẩy giá dầu, nhưng cuộc họp cuối tuần qua nhằm đi đến thỏa thuận về đóng băng sản lượng lại bất thành, khiến đà phục hồi của giá dầu trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

oil_ap_photo_oefa.jpeg
Cách tiếp cận khác nhau về các điều khoản trong thỏa thuận được cho là là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đàm phán tại Doha thất bại. (Ảnh minh họa: AP)

Các quan chức từ 18 quốc gia trong và ngoài OPEC bàn về việc đóng băng sản lượng dầu mỏ như một biện pháp để thúc đẩy giá dầu, nhưng cuộc họp đã kết thúc khi không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Sự vắng mặt của Iran có phải là rào cản?

Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, nguyên nhân chính khiến cuộc đàm phán về dầu mỏ tại Doha (Qatar) vừa qua không đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng là do sự bất đồng giữa một số thành viên về các điều kiện trong thỏa thuận.

Nguồn tin từ Interfax cho hay, sự đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia là rào cản lớn khiến thỏa thuận về sản lượng vốn được trông đợi từ hiện đang chững lại. Saudi Arabia khăng khăng yêu cầu Iran phải tham gia vào cuộc đàm phán, trong khi quốc gia Hồi giáo Iran đã từ chối thẳng thừng và không cử đại diện tham gia hội nghị vào hôm Chủ Nhật (17/4) tại Doha. Iran không muốn “đóng băng” sản lượng bởi nước này mới được phép quay lại thị trường quốc tế sau khi được các cường quốc gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Bộ trưởng Novak nhấn mạnh, dù Iran không tham gia đàm phán nhưng rõ ràng vai trò của nước này lại rất lớn vì Saudi Arabia cứ vin vào sự vắng mặt của Iran để “ép” các thành viên khác phải đáp ứng các điều kiện trong thỏa thuận. Vấn đề nằm ở các cách tiếp cận khác nhau về các điều khoản trong thỏa thuận, ông lưu ý.

Các nhà phân tích hy vọng rằng cuộc họp có thể tìm ra cách để cho phép Iran tăng sản lượng vì nước này mới quay lại thị trường, nhưng phó hoàng thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia lại “quan trọng hóa” vấn đề khi cho rằng nước này sẽ chỉ tham gia nếu có sự tuân thủ đầy đủ từ các nước.

Tầm quan trọng của thỏa thuận

Theo đề xuất ban đầu, các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt chỉ cần giữ nguyên sản lượng như mức của tháng 1 thay vì tiếp tục tăng lên, mục đích là để thúc đẩy giá dầu. Ý tưởng này được rất nhiều nước ủng hộ vì nó không đòi hỏi thêm sự hy sinh từ bất kỳ quốc gia nào.

Sự vắng mặt của Iran cũng là rào cản lớn để đạt được thỏa thuận cuối cùng. (Ảnh minh họa: AP)

Bộ trưởng năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho rằng, cần thêm thời gian để thảo luận và tư vấn thêm cho tới khi diễn ra cuộc họp tiếp theo của OPEC.

Giá dầu hồi tháng 1 có lúc đã xuống tới mức thấp nhất trong 12 năm: dưới 30 USD/thùng, và những dự đoán về việc các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt có thể nhất trí về một thỏa thuận đóng băng sản lượng đã đẩy giá dầu phục hồi lên mức quanh 40 USD. Tuy nhiên, thỏa thuận đóng băng sản lượng sụp đổ cũng đồng nghĩa với việc đợt tăng gần đây là “giả tạo”, và nếu đúng như vậy, thị trường sẽ có thể có nhiều biến động trước khi diễn ra cuộc họp của OPEC trong tháng 6 tới.

OPEC là một tổ chức gồm 12 nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có Saudi Arabia, Venezuela, Qatar, Iran và Iraq. Tổ chức này ra đời nhằm thúc đẩy hoặc kìm hãm nguồn cung dầu mỏ với mục đích đảm bảo mức giá ổn định sao cho có lợi cho các nước thành viên.

Thỏa thuận giữa các “ông lớn” dầu mỏ được coi là mốc quan trọng về sự hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài OPEC nhằm cữu vãn giá dầu thoát khỏi đáy 26 USD/thùng ghi nhận hồi tháng 1 vừa qua./.