Trên thị trường hiện có rất nhiều loại hàng hóa được nhập khẩu bằng các con đường khác nhau từ nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và kể cả hàng xách tay (HXT) - một xu hướng đang phát triển khá rầm rộ tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hoạt động kinh doanh HXT vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn tới.
Giá rẻ hơn hàng nhập chính hãng
Một trong những ưu điểm của HXT chính là giá rẻ hơn khá nhiều so với hàng chính hãng. Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội và TP HCM, HXT có nguồn gốc từ các tiếp viên hàng không mang về bán lại cho các cửa hàng. Lâu dần, ngoài nguồn hàng chính này, một số điểm kinh doanh mở điểm bán hàng online và có người xách tay về. Tuy nhiên, còn một lượng hàng trôi nổi khó kiểm soát chất lượng cũng đưa vào các cửa hàng kinh doanh HXT.
Trên con phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) có không ít của hàng treo biển chào bán HXT. Vốn là con phố nổi tiếng bán hàng nhập nên không thiếu các mặt hàng được bày bán từ quần áo, túi xách kính mắt, thực phẩm, hoa quả tươi đến hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng.
Trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP HCM), đa phần điện thoại được bày bán là HXT. Chủ cửa hàng cho biết: Giá một chiếc điện thoại iPhone 5S giá chính hãng và có dung lượng cao nhất có thể lên đến 11 triệu đồng. Tuy nhiên cùng với loại đó, cửa hàng chỉ bán với giá chỉ 8 triệu đồng.
Lý giải về sự chênh lệch này, chủ cửa hàng cho biết do là hàng nhập khẩu không chính thức, được “xách tay” từ nước ngoài về, không phải chịu thuế nên giá giảm hơn so với hàng chính hãng.
Trên facebook của một trang bán lẻ, những mặt hàng như son môi, nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hay thậm chí một chiếc áo, váy, túi xách cũng được bán với giá rất phải chăng. Có thể nói rằng, giá hàng hóa được gắn mác “xách tay” chỉ bằng 50 - 75% so với hàng chính hãng vì ưu điểm này nên HXT đang dần trở thành loại hàng hóa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Nhập nhèm chất lượng
Bên cạnh những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và được xách tay về nước với số lượng nhỏ, những loại hàng lậu, hàng nhái cũng núp bóng HXT để câu khách. Trên một trang mạng chuyên mua bán hàng xách tay, điện thoại iPhone 5S HongKong có mẫu mã giống hệt hàng thật được rao bán với giá hơn 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng niềm tin cho người tiêu dùng, nhà phân phối còn cam kết bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 3 tháng. Vì vậy, mặt hàng này đang được coi là “hot” nhất trên trang.
Ngoài hàng nhái, các loại hàng dựng, hàng giả cũng được gắn mác “xách tay” để lừa bịp khách hàng, phổ biến nhất là máy điện thoại iPhone dòng cũ như 4, 4S, 5, 5S. Thậm chí một số “lò” còn có thể khắc, làm giả máy y như mới.
Điều đáng nói, hầu hết các thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm nhập nhèm về xuất xứ hàng hóa khi trên sản phẩm chỉ có mã số mã vạch vùng, khu vực bán hàng nhưng được các nhân viên tư vấn trên phố Nguyễn Sơn gắn mác hàng châu Âu dù thực chất là sản phẩm “Made in China”. Một trong những mặt hàng dễ làm giả nguồn gốc xuất xứ là hoa quả và nhiều cửa hàng tại phố này thường gắn mác hoa quả nhập khẩu.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tình hình nhập khẩu các mặt hàng cấm, trong đó có thiết bị điện tử đã qua sử dụng vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong năm 2014, qua công tác phối hợp với các lực lượng liên quan, đơn vị đã bắt giữ 726 điện thoại di động nhập lậu qua đường hàng không (đa phần là điện thoại iPhone)./.