Thảo luận ở tổ sáng nay (24/10) về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển năm 2018, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao tăng trưởng kinh tế trong 3 quý đầu năm và bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm nay do Quốc hội đặt ra là 6,7%. Tuy nhiên, các ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt tới chất lượng tăng trưởng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

vov_hop_to_quoc_hoi_tekf.jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM thảo luận tại Tổ 2 sáng nay (24/10) về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017 và kế hoạch năm 2018

Cần tận dụng sức cầu để phát triển

ĐBQH Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ đạt được trong năm nay nhờ nhiều yếu tố tích cực, trong đó có tăng trưởng xuất khẩu trên 14%, gấp đôi so với năm ngoái.

Đại biểu Tuấn quan ngại khi nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do đóng góp của các doanh nghiệp FDI, trong đó phần lớn nguyên vật liệu lại được nhập khẩu từ các nước khác.

ĐBQH Trần Anh Tuấn

Ông Tuấn cũng nêu thực tế: Samsung và Formosa có đóng góp rất lớn trong tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua, nhưng họ chi cho nhập khẩu nguyên liệu cũng rất lớn. Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa thấp nên giá trị gia tăng không cao.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, sức cầu trong nước hiện đang ở mức cao nhưng các nhà bán lẻ trong nước chưa tận dụng được. Ngược lại, các nhà bán lẻ ngoại xâm nhập vào rất lớn, hàng hóa nước ngoài tràn vào siêu thị như hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, hàng Việt Nam vẫn đang chật vật vào thị trường ngoại.

Rõ ràng, sức cầu của nền kinh tế rất lớn, tạo nên “miếng mồi” béo bở cho các doanh nghiệp (DN) ngoại, ông Tuấn cho biết, đồng thời lo lắng, nếu các DN Việt không đáp ứng được sức cầu trên thị trường nội địa thì nền kinh tế sẽ kém bền vững trong tương lai.

Kích thích kinh tế tư nhân

ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ vui mừng khi nghe báo cáo của Thủ tướng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Dự kiến, kinh tế Việt Nam có thể hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra. Thực hiện được cùng một lúc các chỉ tiêu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị và lãnh đạo các địa phương, ông Ngân đánh giá.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

TS. Trần Hoàng Ngân nêu rõ, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi, cân đối tốt nợ công, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá… Đặc biệt, ông Ngân cho hay, nợ công của Việt Nam năm nay chiếm tỉ lệ 62,6% GDP, thấp hơn so với mức trần là 65%, tạo nên bức tranh kinh tế tổng quan rất đẹp.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: Nguồn vốn đầu tư là yếu tố then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng. Trong thời gian qua, năng suất tăng, nguồn vốn tăng, nhưng chủ yếu đến từ FDI. Tuy rằng FDI tăng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, nhưng cũng sẽ tạo sự cạnh tranh. Vì thế, theo ông Ngân, các DN trong nước cần hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo đánh giá của ông Ngân, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa hiện vẫn chưa rõ nét, làm thế nào để giúp các DN trong nước đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nhằm hỗ trợ tốt cho khuc vực kinh tế tư nhân phát triển theo Nghị quyết trung ương 5.

Một vấn đề nữa mà đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ra nhằm phát triển kinh tế bền vững đó là cần kiểm soát rủi ro tài chính. Vốn hóa thị trường chứng khoán lên tới 93%GDP (thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trong đó có vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài). Nếu các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để chốt lời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối, ông Ngân lưu ý.

Tạo chuỗi liên kết

ĐBQH Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM, cho rằng, mức tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý đầu năm có đóng góp rất lớn của khu vực dịch vụ chế biến chế tạo, nông lâm ngư nghiệp trong bối cảnh đóp góp của khai khoáng giảm. Nếu quý IV năm nay, tăng trưởng vẫn dựa vào đóng góp của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, thủy sản thì phải cân nhắc bởi thiên tai đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành này.

ĐBQH Phạm Phú Quốc

Ông Phạm Phú Quốc nêu thực tế, hiện nay sức cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực khi tham gia chuỗi liên kết toàn cầu vẫn hạn chế, chỉ hơn Campuchia, xếp sau Thái Lan, Lào…

Do vậy, cần thiết phải liên kết giữa các DN trong nước, tạo chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các đơn vị khởi nghiệp trong nước, các DN phụ trợ nội địa. Chỉ có gắn kết mới tạo lực và giúp các DN trong nước mạnh hơn, phát triển kinh tế bền vững hơn, ông Quốc thẳng thắn chia sẻ./.