Thời gian gần đây, mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, giảm tới 39,2% về lượng và giảm 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Trung Quốc vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 24% thị phần.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,24 triệu tấn, trị giá đạt 640 triệu USD. Tại đây, thị phần sản phẩm gạo Việt Nam chiếm tỷ trọng gần 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Những con số trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo rất tiềm năng của Việt Nam. Đặc biệt, cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc càng rõ hơn khi mới đây, đoàn 22 doanh nghiệp nhập khẩu từ Quảng Đông (Trung Quốc) đã đến Long An và TP. HCM tìm kiếm các nhà cung ứng gạo.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam để giao dịch, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hoạt động thương mại gạo.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc tăng cường quan hệ thương mại gạo với Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, điều quan trọng là tăng được lượng gạo xuất khẩu chính ngạch.
Với thị trường Trung Quốc, sẽ có nguồn cung cấp gạo ổn định, chất lượng, giá cả cạnh tranh và thuận tiện giao hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước./.
Xuất khẩu gạo chưa theo chuỗi liên kết sẽ khó bền vững