Sở Công Thương hỗ trợ chi phí truyền thông

Chương trình khuyến mãi tập trung "Shopping Season 2022" tại TP.HCM được tổ chức trong bối cảnh nhiều khó khăn. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, cùng với giá xăng cũng như các chi phí khác tăng cao gây áp lực lớn lên giá thành sản xuất trong khi người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm.

Mùa mua sắm hè năm nay có sự tham gia của 1.298 doanh nghiệp với 5.498 chương trình giảm giá. Theo đại diện Sở Công Thương, đây là một con số khá lớn, đạt được kỳ vọng của đơn vị tổ chức trong thời điểm khó khăn này.

Nếu như các tháng khuyến mại tập trung trước đây do Bộ Công Thương tổ chức nhằm gia tăng sức mua trong thời điểm các hoạt động mua sắm hạ nhiệt chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thì lần này, Sở Công Thương Thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Sở Du lịch, Sở Y tế và Sở Giao thông Vận tải,… thực hiện giảm giá thêm nhiều dịch vụ nhằm tạo điều kiện doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Hà Ngọc Sơn – Trưởng phòng Quản lý xuất - nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Sở đã tích cực tài trợ cho các doanh nghiệp, nhất là trong công tác truyền thông, cung cấp tư liệu cho các đơn vị tham gia chương trình quảng bá hình ảnh, thương hiệu. 

“Sở Công Thương thiết kế sẵn toàn bộ bộ nhận diện chương trình để tất cả các doanh nghiệp đều có thể sử dụng như là một dấu hiệu nhận diện chung về chương trình. Những cái đó hoàn toàn miễn phí. Như vậy, thành phố đang tạo môi trường, cung cấp các tư liệu để các doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi”, ông Hà Ngọc Sơn cho biết thêm.

Hưởng ứng Tháng khuyến mại, nhiều doanh nghiệp lớn tham gia chương trình với tổng giá trị hàng hóa hàng tỉ đồng. Tại các trung tâm mua sắm như Vincom, Giga Mall, GO!, Big C…, các thương hiệu thời trang giảm giá 30-70%, một số thương hiệu mỹ phẩm giảm giá đến 70-80%, hơn 600 sản phẩm thuộc danh mục hàng thực phẩm tươi sống, tiêu dùng giảm từ 23% đến 50%… Nhiều doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách tung ra nhiều ưu đãi riêng. Một vài thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee,... cũng tham gia khuyến mãi.

Nhiều nhà tài trợ không thể tham dự

Anh Trần Tuấn Anh, ở thành phố Thủ Đức cho biết, cứ mỗi đợt khuyến mại, gia đình anh đều tham gia mua sắm để tiết kiệm chi phí. Nhưng đợt giảm giá hè năm nay, các mặt hàng khuyến mãi tại nhiều siêu thị không nhiều so với những lần trước.

“Thực ra thì số mặt hàng cũng ít lắm, không đa dạng chủng loại, lặp đi lặp lại vài hàng liên tục, như: nước rửa chén, chảo, ấm nước sôi… Không đa dạng bằng năm trước, năm trước tuy có dịch nhưng lại đa dạng hơn”, anh Trần Tuấn Anh cho hay.

Trong khi đó, các chợ truyền thống như Sơn Kỳ, Phạm Văn Hai, Tân Định, Bình Tây... số tiểu thương tham gia khuyến mãi không nhiều. Đơn cử, ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), những năm trước có rất nhiều các mặt hàng giảm giá. Nhưng tại chương trình khuyến mãi đợt hè này, không có gian hàng nào tham dự.

Lý giải nguyên nhân, ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu cho biết, mặc dù Ban quản lý đã tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ tiểu thương tham gia chương trình, nhưng phần lớn các nhà tài trợ chỉ thông báo sẽ sớm quay trở lại khi sản xuất kinh doanh đi vào ổn định hơn.

“Vấn đề là doanh nghiệp có hỗ trợ thì tiểu thương mới dám khuyến mãi. Trước đây mình hỏi tới đâu thì người ta đồng ý tới đó còn bây giờ họ không từ chối nhưng hẹn đợt sau do khó khăn. Vừa qua mùa dịch năm rồi, nay đang khó khăn cho nên họ đang vực dậy. Tất cả mặt hàng đều lên giá mà bây giờ khuyến mãi giảm xuống thì lấy đâu mà bù vào”, ông Huỳnh Thanh Trường nói.

Tại những đợt khuyến mại trước đây do Bộ Công Thương tổ chức, hãng dầu ăn Tường An luôn tài trợ cho các tiểu thương chợ truyền thống tham gia chương trình. Nhưng tới dịp khuyến mại hè năm nay, khi được sự mời gọi của Ban quản lý chợ Bà Chiểu, đại diện doanh nghiệp hẹn sẽ trở lại tham gia vào cuối năm nay, khi sản xuất kinh doanh đi vào ổn định hơn. Hợp tác xã rau an toàn Tuấn Ngọc năm nay cũng không tham gia chương trình do không đủ nhân sự cho công tác quảng cáo, bán hàng,...

Trong khó khăn luôn nhìn thấy cơ hội

Mặc dù trong thời điểm khó khăn nhưng hãng thời trang Determinant vẫn tham gia sự kiện lần này. Bà Đỗ Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành Determinant tại Việt Nam chia sẻ, trong thời kỳ bão giá, doanh nghiệp phải xoay sở nhiều cách để tồn tại như: đổi mới, cải thiện năng suất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng... Trong bối cảnh kinh doanh không có lãi nhiều nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến những giá trị cộng đồng như thân thiện với môi trường, đồng hành, chia sẻ khó khăn và nâng cao ý thức của người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm.

“Chính trong những thời điểm này, người tiêu dùng càng có ý thức và sự kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn sản phẩm. Họ sẽ hướng tới các nhãn hàng có những triết lý kinh doanh, giá trị mang tính bền vững hơn, phù hợp với xu thế của thế giới thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm các mặt hàng giá rẻ”, bà Đỗ Hồng Hạnh cho biết và đề xuất, thời gian tới, bên cạnh việc hạ giá bán để người dân có thể mua được nhiều hàng hóa, ngành Công Thương cần tổ chức thêm các hình thức marketing mới, sáng tạo hơn như bán hàng đa kênh (Omni Channel), mời các nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOL’s) tham gia và một số hình thức marketing online khác.

Sở Công Thương TP.HCM phấn đấu đến hết năm 2023 khôi phục sức mua như thời điểm trước dịch. Sở đã xây dựng và tham mưu UBND Thành phố ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung giai đoạn 2021-2025”, với nhiều hoạt động cụ thể, kiên trì từng bước để đạt mục tiêu đề ra./.