Vùng sản xuất chè nguyên liệu của Công ty cổ phần NTEA Việt Nam ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) quá trình sản xuất chè không sử dụng bất kỳ loại phân vô cơ hay hóa chất bảo vệ thực vật nà mà cây chè được chăm bón hoàn toàn bằng các sản phẩm hữu cơ. Cùng với việc sử dụng phân bón hữu cơ đã được ủ kỹ, Công ty còn dùng các loại chế phẩm như IMZ, BIO FIM… để kích thích khả năng hấp thụ của cây, góp phần cải tạo đất.

Cùng với đó, Công ty áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc canh tác cũng như chế biến sản phẩm chè. Đồng thời, sử dụng công nghệ điện toán đám mây vào hệ thống tưới tiêu tự động, sử dụng chip điện tử để theo dõi hướng gió, độ ẩm, dinh dưỡng và dự báo thời tiết.

Sau một thời gian áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, Công ty cổ phần NTEA Việt Nam trở thành đơn vị đầu tiên được tổ chức chứng nhận Quốc tế Biocer International trao chứng nhận sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp IFOAM. Đây cũng chính là “tấm vé thông hành” để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm, khẳng định niềm tin với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

unnamed.jpg

Sản phẩm chè xanh của Công ty luôn có giá bán ổn định từ 500.000-1.000.000 đồng/kg tùy theo từng dòng sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty còn sản xuất các sản phẩm như: trà túi lọc, bột trà xanh Matcha, trà sữa… từ nguồn nguyên liệu chè sạch của Công ty. Với sản phẩm đảm bảo chất lượng, được chứng nhận, Công ty không những có thị trường rộng mở ở Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức…

Ngoài Công ty cổ phần NTEA Việt Nam, còn có một số đơn vị đang triển khai sản xuất chè, rau theo hướng hữu cơ với quy mô nhỏ từ 0,5-2ha như: HTX chè La Bằng (Đại Từ), Công ty chè Hà Thái, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)…

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thái Nguyên vẫn chưa thể phát triển rộng rãi là do còn quá nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Duyên, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình) cho hay: Vụ mùa năm nay, nhà tôi cấy 2 sào lúa giống BTE1 theo mô hình sản xuất hữu cơ. Khác với phương pháp cấy lúa truyền thống, chúng tôi sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ và tuân thủ đúng quy trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra, mật độ cấy cũng thưa hơn, chỉ từ 15-18 khóm/m2, trong khi trước là 40-45 khóm/m2. Theo cách này, chúng tôi phải mất nhiều công chăm sóc hơn phương thức sản xuất cũ rất nhiều.

Là một trong những người đầu tiên thực hiện sản xuất chè hữu cơ của tỉnh, chị Hầu Thị Nhi, xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: “Gia đình tôi có 15 sào chè, trước cũng tham gia mô hình sản xuất hữu cơ, nhưng do quy trình sản xuất đòi hỏi quá khắt khe, chăm bón tốn công vất vả mà năng suất chè lại sụt giảm đáng kể nên tôi không theo tiếp. Hiện nay, mặc dù tôi vẫn ủ phân hữu cơ để sử dụng bón chè, nhưng không thực hiện đúng quy trình mà vẫn kết hợp các biện pháp bảo vệ cây trồng khác”.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong giai đoạn đầu sản xuất hữu cơ, người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi năng suất có thể giảm tới 90%; nếu làm đồng bộ theo đúng quy trình, từ năm thứ 2, cây trồng sẽ trở lại trạng thái cân bằng. Từ năm thứ 3 trở đi, năng suất sẽ ổn định trở lại, giá bán sản phẩm sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trong những năm đầu, năng suất, sản lượng cây trồng giảm sẽ khiến người nông dân chán nản và không mặn mà tham gia.

Việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ cũng khó khăn trong thời điểm đầu khi đưa ra thị trường vì giá cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm làm theo quy trình truyền thống.

Tỉnh Thái Nguyên dành nhiều chính sách nhằm kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Ông Dương Sơn Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, tới đây, Sở sẽ tổ chức sản xuất theo ngành hàng, thông qua phương án sản xuất nông nghiệp hàng năm để có định hướng và phương án hỗ trợ sản xuất, tạo ra sự liên kết sản xuất giữa "3 nhà".

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được thông tin sản phẩm, các hợp tác xã sẽ giảm được các chi phí bán hàng, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

Sở Công Thương Thái Nguyên cũng sẽ hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đến vào các trà thu hoạch rộ, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối; đưa các sản phẩm đảm bảo về ATTP và đáp ứng yêu cầu về an toàn dịch bệnh tiêu thụ tại các đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng tự chọn...